Đớp ruồi lưng vàng (Narcissus Flycatcher).
Đớp ruồi lưng vàng (Narcissus Flycatcher).

Cánh cửa sinh học của Đà Nẵng

Dù thời tiết miền trung đang thất thường, bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vẫn âm thầm đón những vị khách đặc biệt. Đó là những đàn chim di cư vượt hàng nghìn cây số từ phương bắc trở về.

Sự xuất hiện của những loài chim quý hiếm như một thông điệp lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa: Thiên nhiên nơi đây vẫn còn đủ sức hấp dẫn để níu chân sự sống hoang dã.

Chim quý chọn nơi dừng chân

Một cá thể rẽ lớn ngực đốm (Calidris tenuirostris), loài chim di cư nằm trong danh sách Nguy cấp (EN) của IUCN vừa được ghi nhận tại bãi bồi Thọ Quang (quận Sơn Trà). Mang mã định danh 7XU thuộc hệ thống theo dõi chim trong tuyến đường bay Đông Á - Úc, chú chim nhỏ bé ấy đã vượt qua hàng nghìn cây số từ vùng lãnh nguyên Siberia để ghé lại một góc biển miền trung. Dừng chân, kiếm ăn, nghỉ dưỡng sức trước khi tiếp tục hành trình.

Không phải lần đầu tiên loài chim quý hiếm xuất hiện tại bán đảo Sơn Trà. Từ năm 2017, nơi đây đã từng là điểm dừng chân hiếm hoi của loài cắt Amur, một loài chim săn mồi di cư từ Nga. Và tính đến nay, hơn 160 loài chim đã được ghi nhận trong hệ sinh thái bán đảo này, trong đó không ít loài có tên trong Sách đỏ, mang giá trị bảo tồn cao.

Vì sao giữa một đô thị năng động ven biển như Đà Nẵng, Sơn Trà lại trở thành điểm dừng lý tưởng cho chim di cư? Câu trả lời nằm ở chính cách con người gìn giữ thiên nhiên, hay nói rộng hơn: Cách một thành phố đối xử với hệ sinh thái quanh mình.

Chim di cư vốn là “cảm biến” tự nhiên tinh tế nhất của môi trường sống. Chúng sẽ không dừng lại nơi nào thiếu nguồn thức ăn, nhiều ô nhiễm hay chịu tác động quá mức từ con người. Việc loài rẽ lớn ngực đốm vốn kén chọn môi trường quay lại Sơn Trà sau nhiều năm là một chỉ dấu đáng mừng: Khu vực này vẫn duy trì được sự yên tĩnh, an toàn và đủ thức ăn tự nhiên cho chim nghỉ dưỡng.

Theo các chuyên gia, hệ sinh thái Sơn Trà hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, đặc biệt là các bãi bồi ven biển, nơi chim thiên di thường kiếm ăn. Nhiều khu vực ven núi, dưới chân bán đảo đã được khoanh vùng, hạn chế xây dựng mới và các hoạt động xâm lấn. Bên cạnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các tổ chức bảo tồn, tình trạng săn bắt, bẫy chim hoang dã đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

102.jpg
Hoét mặt đỏ (Tên tiếng anh: Japanese Robin).

PGS, TS Vũ Ngọc Long, chuyên gia về hệ sinh thái rừng và cố vấn một số dự án bảo tồn tại miền trung, nhận định: “Những vùng lõi tự nhiên như Sơn Trà có vai trò như các “trạm tiếp nhiên liệu” trong mạng lưới di cư của chim hoang dã. Việc chim quý tiếp tục chọn Sơn Trà cho thấy nơi đây vẫn còn giữ được cấu trúc sinh thái quan trọng, điều rất hiếm thấy trong lòng các đô thị phát triển nhanh như Đà Nẵng”.

Những nỗ lực ấy đã giúp “kéo” các loài từng vắng bóng quay trở lại như một minh chứng sống động cho nguyên lý: Thiên nhiên sẽ hồi phục nếu được tôn trọng.

Tín hiệu sinh học giữa đô thị

Ở một thành phố du lịch như Đà Nẵng, việc vừa phát triển hạ tầng, vừa giữ được hành lang sinh học quý giá như Sơn Trà là điều không dễ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được.

Trung tâm GreenViet, Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Nature Dance cùng các nhóm nhiếp ảnh chim và cộng đồng yêu thiên nhiên đã góp phần hình thành văn hóa quan sát, trân trọng chim hoang dã tại địa phương.

Ông Nguyễn Kha, cư dân khu Nại Hưng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), người nhiều năm tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi những loài chim di cư quý hiếm quay về đây. Từ voọc chà vá chân nâu cho tới các loài vẹt, sẻ, sả quý hiếm đều hiện diện sống động như một phần tự nhiên của Sơn Trà. Mong rằng chính quyền tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ, bảo vệ những sinh cảnh này để Sơn Trà mãi là mái nhà chung của cả động vật hoang dã và người dân thành phố”.

Không chỉ dừng lại ở khoa học hay truyền thông, các chuyên gia đề xuất tiến xa hơn: Quy hoạch phân vùng sinh thái rõ ràng, xác định và bảo vệ các điểm “trung chuyển” sinh học trong nội đô. Những bãi bồi nơi đàn cò, đàn rẽ dừng lại; những khu rừng thấp nơi chim rừng trú ngụ đều cần có quy chế bảo vệ riêng, thậm chí là cơ chế pháp lý đặc thù. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ về hạ tầng hay âm thanh cũng đủ để khiến đàn chim đổi hướng và sinh cảnh mất đi tính hấp dẫn tự nhiên.

103.jpg
Oanh đuôi cụt lưng xanh (Tên tiếng anh là: Red-flanked Bluetail). Ảnh: SƠN HUỲNH

Sơn Trà hôm nay không chỉ là mái nhà của voọc chà vá chân nâu biểu tượng của Đà Nẵng mà còn là điểm dừng chân quý giá của các loài chim di cư đang dần hiếm hoi trên thế giới. Điều đó đặt ra một yêu cầu mới: Bảo vệ Sơn Trà không chỉ vì người Đà Nẵng mà còn vì các loài sinh vật đang lệ thuộc vào nơi đây trong cuộc hành trình gian nan giữa các châu lục.

Một thành phố đáng sống còn là nơi mà con người, động vật và thiên nhiên có thể cùng tồn tại trong sự tôn trọng và thấu hiểu. Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội định hình mình như một đô thị sinh thái kiểu mẫu, nơi không chỉ người dân mà cả những đàn chim cũng muốn quay về.

Xem thêm