Từ căn bếp và nhà ít ám mùi…
Chị Nguyễn Thị Liên (phường Thạch Bàn) biết đến và theo đuổi lối sống “nhà không rác” sau chuỗi ngày ám ảnh với việc dọn dẹp tủ lạnh và thùng rác khi lúc nào cũng phải đem bỏ cả đống thực phẩm thừa. Đứng trong căn bếp đơn giản, gọn gàng của căn chung cư ven đô, chị tự hào khoe căn bếp không hề có thùng rác. Và “vũ khí” giúp chị là chiếc máy xử lý rác nhỏ đang chạy ở góc nhà.
Đây là chiếc máy nghiền rác công nghệ Hàn Quốc chị Liên mua cách đây ba năm. Khi đó, bỏ ra hơn 20 triệu đồng để xử lý vấn đề rác thực phẩm trong bếp, nhiều bạn bè bảo chị là gàn dở. Nhưng suốt ba năm nay, chị chưa bao giờ hối hận về quyết định này. Các loại vỏ trái cây, vỏ trứng, vỏ rau củ, rau thừa đều được chị thái nhỏ, bỏ vào máy nghiền. Máy sẽ tự sấy khô, nghiền nhuyễn và khử mùi để cho ra thành phẩm phân bón chỉ trong thời gian 3 đến 5 giờ. Một rổ rác thực phẩm chỉ còn lại một nắm đất mịn sau vài giờ đồng hồ xử lý. Chị Liên gom vào túi để làm phân bón cho cây. Các loại túi ny-lon, đồ hộp, bao bì bọc thực phẩm chị rửa sạch, phân loại cuối tuần mang đến các điểm thu gom tái chế.
“Mỗi tuần gia đình chỉ phải đi đổ rác đúng một lần. Trung bình sáu tháng thì bộ lọc sẽ hết tác dụng khử mùi, phải thay mới với giá khoảng 700 nghìn đồng/bộ. Chỉ cần hạn chế bỏ thực phẩm có mùi quá hôi như các loại mắm, lượng rác xử lý ít thì bộ lọc ít ám mùi, thời gian sử dụng sẽ lâu hơn”, chị Liên sung sướng khoe.
“Nhà không rác” là cuốn sách nổi tiếng của tác giả Bea Johnson đã được xuất bản ở hơn 20 quốc gia đã có mặt tại Việt Nam. Tác giả Bea Johnson đã chia sẻ câu chuyện của mình khi cô và gia đình thực hành lối sống không rác trong suốt hơn 10 năm qua. Cô áp dụng quy tắc 5R đó là Refuse (từ chối những gì bạn không cần), Reduce (tiết giảm những gì ta cần và không thể từ chối), Reuse (tái sử dụng những gì ta tiêu thụ, không thể từ chối hoặc không thể tiết giảm), Recycle (tái chế những gì không thể từ chối, không thể tiết giảm và không thể tái sử dụng) và Rot (ủ phân những gì còn lại).
…đến lối sống không rác
Không phải bà nội trợ nào cũng mạnh dạn đầu tư một khoản tiền cho chiếc máy nghiền rác. Chị Nguyễn Thanh Hương (33 tuổi, phường Hoàng Mai) là một thí dụ. Mặc dù khá tâm đắc với chiếc máy nghiền rác công nghệ Hàn Quốc, nhưng chị Hương không có điều kiện để sở hữu. Chị tìm đến phương pháp xử lý rác thải ngay tại bếp khác là phương pháp Bokashi. Các loại rác thải hữu cơ từ bã trà, cà-phê và các chất có nguồn gốc thực vật cho đến thịt vụn hoặc thậm chí cả vỏ trứng sẽ được trộn với một loại men vi sinh và ủ. Sau hai tuần thức ăn thừa sẽ thành phân bón cho cây.
Giới thiệu về chiếc thùng Bokashi ở ban công, chị Hương cho biết ban đầu nên sử dụng cám gạo, men ủ, vỏ trấu để làm lớp nền, sau đó bỏ vào bất cứ loại thực phẩm, đồ ăn nào thừa hằng ngày. Những nguyên liệu này sẽ dần lên men trong thùng Bokashi và trở thành phân bón có thể sử dụng cho cây trồng tại nhà. Điều chị Hương thích nhất là cô con gái 5 tuổi rất hào hứng với việc phân loại và xử lý rác ngay tại nhà.
Các chuyên gia môi trường cho rằng lối sống không rác thải trong nhà bếp không chỉ giới hạn ở việc tái chế hay ủ phân hữu cơ mà còn là một phương pháp tiếp cận toàn diện, bắt đầu từ cách lựa chọn thực phẩm khi mua sắm, cách bảo quản và sử dụng nguyên liệu cho đến cách xử lý phần còn lại sao cho không tạo ra rác thải không cần thiết. Trên nhiều diễn đàn, các bà nội trợ, những người trẻ ngày càng hào hứng với phong cách sống không rác. Ngày càng nhiều người trẻ tích cực thu gom rác thải, các sản phẩm nhựa có thể tái chế, pin tham gia các chương trình lấy rác đổi quà được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội. Họ chủ động phân loại rác, mang vỏ chai nhựa giấy loại đổi lấy nhiều cây xanh mang về chăm sóc, trang trí ở nhà và chỗ làm.
“Hồi trước đi chợ về tôi sẽ lấy túi ni-lông chứa đồ bỏ trong tủ lạnh, còn bây giờ dùng túi vải đi chợ, sử dụng hộp đựng thực phẩm cất chứa thấy rất tủ lạnh rất đẹp và gọn gàng, trong nhà ai cũng thích”, chị Hương hào hứng nói.