Chính vì thế, mặc dù cả nước sẽ chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế, được tổ chức hoạt động tại hai địa điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng theo mô hình “một trung tâm - hai điểm đến”, (hai thành phố cùng chia sẻ một hệ thống quản lý, giám sát để phát huy các thế mạnh riêng biệt của từng địa phương), nhưng vẫn cần thiết kế khung khổ pháp lý phù hợp trên cơ sở dự lường “bộ tứ”: điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và nguy cơ. Nếu không tính kỹ, rất có thể chúng ta sẽ chỉ “câu” được cá lòng tong thay vì thu hút “cá mập”.
Trong lĩnh vực tư pháp, sự ra đời của Trung tâm tài chính quốc tế sẽ làm phát sinh nguy cơ về lừa đảo, thao túng, trốn thuế… Do đó, cần có hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện để bảo vệ các thành viên tham gia. Nên áp dụng cơ chế hòa giải, xử lý các tranh chấp bằng cơ chế trọng tài thương mại hơn là phải “đáo tụng đình”.
Nhưng nếu như buộc phải ra tòa, như Luật Tòa án nhân dân sửa đổi 2025 đã quy định có tính nguyên tắc, thì vẫn nên là một thiết chế tòa án chuyên biệt. Cần làm rõ tòa án này được thành lập, giải thể, phân quyền, tổ chức tố tụng như thế nào? Pháp luật sẽ được áp dụng và ngôn ngữ xử án ra sao; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn thẩm phán và bộ máy giúp việc cho tòa án cũng cần được minh định.
Từ kinh nghiệm thụ lý nhiều vụ việc kinh tế có giá trị lớn, thiết nghĩ phải tính đến khả năng thuê thẩm phán nước ngoài với quốc tịch phù hợp (để được các bên có tranh chấp chấp nhận, bởi đây thường là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài). Hệ thống pháp luật được áp dụng để xử lý tranh chấp cũng cần phải cân nhắc kỹ mới dễ dàng đạt được sự đồng thuận của các bên.
Cũng cần nói thêm rằng, để cho trung tâm tài chính quốc tế phát triển bền vững, nó phải được đặt trên một chiếc kiềng ba chân: hạ tầng pháp lý - nhân sự - hạ tầng kỹ thuật.
Về hạ tầng pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực, từ ngân hàng, tài chính, thương mại, bảo hiểm cho đến Bộ luật Hình sự, Dân sự… cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện; chứ không riêng gì lĩnh vực tư pháp.
Khâu thứ hai không kém phần quan trọng là nhân sự, bao gồm cả nhân sự quản lý trung tâm, nhân sự chuyên ngành tài chính, nhân sự tư vấn, nhân sự xét xử và giải quyết tranh chấp.
Hạ tầng kỹ thuật chính là chân kiềng thứ ba. Trong điều kiện công nghệ toàn cầu hóa như hiện nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, kết nối 24/24, không có sự cố và được bảo mật tuyệt đối mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải hạ tầng bất động sản trung tâm. Một quỹ đầu tư tài chính có thể có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc), Singapore hay Đức, Mỹ vẫn có thể là thành viên của Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, vì họ hoạt động chủ yếu trên sàn và qua mạng ■
Cẩm Hà (ghi)
Nói một cách hình tượng thì tòa án trong trung tâm tài chính quốc tế là một chiếc áo phải được “may đo”. Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, quy định chi tiết trong văn bản pháp quy (dự kiến tới đây sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành).