Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế nhờ hội tụ thế mạnh về kinh tế, địa lý, nhân lực và chiến lược phát triển quốc gia. (Ảnh Khiếu Minh)
Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế nhờ hội tụ thế mạnh về kinh tế, địa lý, nhân lực và chiến lược phát triển quốc gia. (Ảnh Khiếu Minh)

Điểm đến hàng đầu trên bản đồ tài chính toàn cầu

Với tham vọng lọt vào top 75 thế giới vào năm 2035 và top 20 vào năm 2045, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức về thể chế, năng lực quản lý và cạnh tranh khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Song, chúng ta có thể tạo được đột phá nhờ cơ chế, chính sách và quyết tâm hành động.

Sáng 27/6, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Để quyết tâm chính trị trở thành hiện thực

Theo bảng xếp hạng phản ánh sự phân bổ quyền lực tài chính toàn cầu Global Financial Centres Index (GFCI) vào tháng 3 năm nay (GFCI 37), Trung tâm tài chính xếp hạng thứ 73 đến 75 lần lượt là Jakarta (Indonesia), Almaty (Kazakhstan) và Đảo Caymans (Cayman Islands), còn xếp hạng thứ 20 là Trung tâm tài chính Bắc Kinh. Soi vào mục tiêu mà nghị quyết đặt ra, có thể thấy thử thách rất lớn.

Khi xây dựng các chính sách ưu đãi đặc thù về thuế, đất đai, lao động, xuất nhập cảnh, bảo hiểm, thử nghiệm sandbox fintech, phát triển các sản phẩm tài chính mới như tài chính xanh, tài sản số, sàn giao dịch hàng hóa, tín chỉ carbon...., chúng ta sẽ phải cân nhắc rất kỹ xem các ưu đãi đặc thù này có đủ mạnh để thu hút dòng vốn đầu tư vào Trung tâm tài chính hay không? Nhất là khi so sánh lợi thế cạnh tranh tương quan với các Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực có lịch sử, tập quán kinh doanh lâu đời và hiện đang hoạt động rất thành công như ở Singapore, Dubai, Hồng Công (Trung Quốc)…

Muốn trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu, trước hết, các chính sách phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam phải được triển khai đồng bộ, nhất quán với các chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng hành lang pháp lý vượt trội, đủ thông thoáng để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư quốc tế, nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát rủi ro, minh bạch và tuân thủ chuẩn mực quốc tế.

Đây có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất vì Trung tâm tài chính có nhiều hoạt động tài chính mới, phức tạp, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Rồi bản thân Trung tâm tài chính cũng không thể đứng độc lập một mình mà phải đặt trong mối liên hệ hữu cơ qua lại, chuyển động không ngừng với các chủ thể khác của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở khung khổ pháp lý hiện hành.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Việc phân cấp mạnh mẽ, tăng quyền chủ động cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong xây dựng, vận hành, giám sát Trung tâm tài chính, nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất quản lý ở cấp quốc gia là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ khi nào bộ máy công quyền, bằng năng lực tổ chức thực thi pháp luật, quản lý nhà nước vượt trội của mình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia Trung tâm tài chính thì mới có thể nói tới việc mời gọi các nhà đầu tư.

Các nghị định, thông tư hướng dẫn cần cân bằng giữa ưu đãi đột phá và kiểm soát rủi ro, đồng thời bảo đảm tính khả thi khi triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thành công của Trung tâm tài chính phụ thuộc vào khả năng cụ thể hóa các cơ chế này thành hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư. Các nhà đầu tư kỳ vọng nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành sẽ giải quyết những vấn đề then chốt, thật cụ thể, chi tiết như: cho phép các bên trong giao dịch có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài, miễn không trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; tạo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho fintech, tài sản số, giao dịch hàng hóa phái sinh và tín chỉ carbon; áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm, miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo, miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia đến hết năm 2030; thời hạn giao đất tối đa 70 năm cho dự án ưu tiên, 50 năm cho dự án khác; cấp thẻ tạm trú đến 10 năm cho nhà đầu tư, chuyên gia và gia đình. Các nghị định, thông tư cũng thiết lập cơ chế kiểm soát luồng vốn ra/vào, phòng chống rửa tiền và thao túng tỷ giá cũng như xây dựng hệ thống giám sát minh bạch để ngăn chặn đầu cơ, bong bóng tài sản trên các sàn giao dịch.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, các định chế tài chính, chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế để cập nhật yêu cầu thực tiễn, giải quyết các vấn đề phát sinh, phù hợp với chuẩn mực toàn cầu. Trong thực hiện cần thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các quy định dựa trên phản hồi thực tế trong quá trình vận hành Trung tâm tài chính, bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời xử lý các vấn đề mới nảy sinh.

Để hóa giải những thách thức, trở ngại lớn của người đi sau so với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới, trong khi hệ thống pháp luật và năng lực quản lý rủi ro của Việt Nam còn hạn chế, cùng với mức độ tự do luân chuyển vốn còn thấp, có lẽ Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển thị trường vốn, sandbox fintech, sàn giao dịch hàng hóa, nền tảng giao dịch kỹ thuật số, còn Đà Nẵng thì ưu tiên phát triển tài chính xanh, tín chỉ carbon, dịch vụ số, thu hút quỹ đầu tư vừa và nhỏ để tạo ra sự khác biệt và lợi thế so sánh. Thiết nghĩ, nên coi đây là dự án trọng điểm quốc gia và hằng năm Chính phủ nên báo cáo Quốc hội về tiến độ thực hiện để Quốc hội có những điều chỉnh cần thiết theo thẩm quyền của cơ quan lập pháp.

Sự thành công của Trung tâm tài chính đòi hỏi sự phối hợp thật chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền hai địa phương, cộng đồng doanh nghiệp theo nguyên tắc then chốt là: linh hoạt trong triển khai, nghiêm ngặt trong giám sát, bám sát chuẩn mực toàn cầu.

Nếu có tâm thế, quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng và đi đầu trong thử nghiệm cơ chế chính sách mới, chắc chắn Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ có bước đi linh hoạt, sáng tạo, thực hiện tốt lộ trình đã đề ra để trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu khu vực và thế giới.

Xem thêm