Tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, người làm du lịch. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, người làm du lịch. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Du lịch Thái Nguyên đứng trước vận hội mới sau hợp nhất tỉnh

Ngày 8/7, tỉnh Thái Nguyên tổ chức tọa đàm tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Đây là hoạt động được tỉnh tổ chức ngay sau khi hợp nhất tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch của tỉnh Bắc Kạn cũ và tỉnh Thái Nguyên cũ.

Dự tọa đàm có đồng chí Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Khai mạc tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Dương Xuân Hùng nhấn mạnh, hợp nhất thành tỉnh mới không chỉ là sáp nhập các đơn vị hành chính, mà là sự cộng hưởng, mở rộng tài nguyên du lịch của tỉnh Thái Nguyên mới.

Thực tiễn phát triển du lịch tại hai tỉnh cũ trong thời gian qua chưa tương xứng tiềm năng. Do đó, việc nghiên cứu để khai thác, phát huy tài nguyên du lịch là điều hết sức quan trọng.

Hơn 15 tham luận đã được gửi tới tọa đàm, tập trung đánh giá, gợi mở, đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới.

Các tham luận chỉ rõ, sau hợp nhất tỉnh, Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi.

Tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đưa vào danh mục kiểm kê.

Trong đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 67 di tích cấp quốc gia, 316 di tích cấp tỉnh, 43 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thái Nguyên nổi tiếng với An toàn khu Chợ Đồn, Định Hóa; hồ Núi Cốc; hồ Ba Bể; làng nhà sàn Thái Hải, một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới… Thái Nguyên được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà” với sản phẩm trà nức tiếng thơm ngon.

Sau hợp nhất, Thái Nguyên bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mới, ngành du lịch của tỉnh đứng trước những vận hội mới, nhưng cũng nhiều thách thức đan xen.

16.jpg
Giới thiệu nông sản tiêu biểu với các đại biểu bên lề buổi tọa đàm. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Những hạn chế cũng được thẳng thắn chỉ ra, như: sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; thị trường du lịch chủ yếu khách nội địa, ít khách quốc tế; cơ sở vật chất du lịch và hạ tầng giao thông còn yếu; nhân lực du lịch thiếu và yếu…

Nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị đã được nêu ra nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, như: Những cơ hội, thách thức và định hướng chiến lược phát triển du lịch sau hợp nhất tỉnh; giải pháp xây dựng, phát triển sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; hành trình mới, khát vọng mới; tiềm năng con người trong phát triển du lịch…

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đánh giá, hợp nhất tỉnh mở ra những cơ hội mới cho du lịch Thái Nguyên. Du lịch Thái Nguyên đang bước vào “xa lộ” mới trong bối cảnh Trung ương ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế doanh nghiệp.

Tuy nhiên, du lịch Thái Nguyên hiện đang chỉ ở mức phát triển trung bình, dù tài nguyên du lịch rất phong phú.

Phó Cục trưởng đề nghị, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên phải xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển du lịch; định vị lại điểm đến; quy hoạch lại du lịch theo tầm nhìn mới và tầm vóc mới.

Tỉnh cần ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng; công nhận các khu, điểm du lịch; đồng bộ trong chuyển đổi số, kết nối du lịch. Đặc biệt, cần đào tạo bài bản, cầm tay chỉ việc cho người làm du lịch nhất là các homestay; nhân rộng các mô hình, khơi dậy lòng yêu quê hương, tự hào với danh lam, thắng cảnh từ đó tâm huyết với làm du lịch.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần quảng bá, tiếp thị, kết nối để lan tỏa tiềm năng du lịch ra trong nước và quốc tế.

Xem thêm