Mì gạo Chũ được làm từ gạo bao thai hồng, một giống lúa đặc sản trồng trên vùng đất Chũ, mang lại hương vị thơm ngon, sợi mì dai giòn không lẫn vào đâu được. Nguồn nước ngầm trong lành từ vùng núi đồi Lục Ngạn cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc biệt của sản phẩm. Gạo được chọn lọc kỹ càng, ngâm qua đêm, xay thành bột, tráng thành bánh mỏng, phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên rồi thái thành sợi. Mỗi công đoạn đều được thực hiện thủ công hoặc bán thủ công.
Từ những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, ngành mì gạo Chũ đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của gần 30 hợp tác xã và hơn 1.000 hộ sản xuất tại phường Chũ và xã Nam Dương. Hợp tác xã Mì Chũ Xuân Trường, thành lập năm 2009, hiện sản xuất khoảng 35-45 tấn mì/tháng, trong đó ba tấn được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Hợp tác xã Hiền Phước cung ứng 20- 30 tấn mì/tháng, hợp đồng xuất khẩu ổn định sang Nga vừa ký kết năm 2025 với sản lượng 40 tấn/tháng. Các hợp tác xã đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, như lò sấy tản nhiệt và lò gas, giúp giảm phụ thuộc vào thời tiết và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản lượng mì gạo Chũ của các hợp tác xã ước tính đạt 20.000 tấn/năm, với doanh thu hơn 500 đến 700 tỷ đồng/năm. Mì gạo Chũ được công nhận là sản phẩm OCOP, được gắn tem truy xuất nguồn gốc VNPT-Check từ năm 2017, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc. Nhãn hiệu mì gạo Chũ được bảo hộ độc quyền tại năm quốc gia: Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia, tạo nền tảng vững chắc cho xuất khẩu.
Mì gạo Chũ đã vượt ra khỏi biên giới địa phương để có mặt tại các siêu thị lớn như Big C, VinMart, Coop Mart, và các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Trên thị trường quốc tế, mì gạo Chũ có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Australia và Hồng Công (Trung Quốc).
Ngành sản xuất mì gạo Chũ với hơn 1.000 hộ sản xuất cung cấp việc làm cho hàng nghìn lao động, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, với thu nhập trung bình 8,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng làng nghề Thủ Dương, với hơn 300 hộ sản xuất, đạt sản lượng 12.000-13.000 tấn/ năm, mang lại lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Nghề làm mì không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn thúc đẩy các ngành phụ trợ như vận chuyển, đóng gói, và thương mại. Sự phát triển của ngành mì gạo Chũ cũng góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giảm phụ thuộc vào nông nghiệp.
Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, các hợp tác xã đã sáng tạo ra nhiều loại mì mới, như mì ngũ sắc (làm từ gấc, cà-rốt, nghệ, củ dền), mì gạo lứt và mì rau củ. Chị Nguyễn Thị Kiều Anh, Giám đốc Hợp tác xã Mì Chũ Dậu Anh, đã tiên phong sản xuất mì rau củ với mầu sắc bắt mắt, đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu thụ 7-10 tấn/tháng.
Hiện nay các hợp tác xã sản xuất mì gạo Chũ đang đẩy mạnh hiện đại hóa sản xuất, như đầu tư lò sấy quy mô lớn và hệ thống kho đạt chuẩn, để giảm phụ thuộc vào thời tiết. Ứng dụng thương mại điện tử, như bán hàng trên Postmart.vn, Shopee và mạng xã hội cũng mở ra kênh tiêu thụ mới. Phát triển tour du lịch trải nghiệm làng nghề Thủ Dương cũng hứa hẹn tăng giá trị thương hiệu và thu nhập cho người dân.
Mì gạo Chũ không chỉ là một sản phẩm ẩm thực mà còn là niềm tự hào của người dân Bắc Giang (cũ). Từ làng nghề Thủ Dương, sợi mì mỏng manh đã và tiếp tục chinh phục thị trường trong và ngoài nước.