Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, địa hình chia cắt, giao thông thiếu đồng bộ, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai khiến việc đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông, gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của tỉnh cùng với hỗ trợ của Trung ương, mạng lưới giao thông đang dần hoàn thiện.
Tỉnh huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tái định cư thủy điện để đầu tư hạ tầng giao thông. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã mở mới 273 km đường, thảm bê-tông nhựa hơn 154 km, láng nhựa gần 200 km; xử lý nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông...
Ông Tống Văn Sơ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhận định, trong gần 5 năm lại đây, hệ thống hạ tầng giao thông của Lai Châu đã có nhiều chuyển biến, ngày càng đồng bộ. Mạng lưới giao thông kết nối tốt. “Giờ đây, từ Mường Tè đi thành phố Lai Châu chỉ còn khoảng 130 km, giảm gần 70 km so với trước. Nhiều tuyến đường đến trung tâm xã cũng được nhựa hóa, bê-tông hóa rất thuận lợi”, ông Sơ nói.
Hiện, Lai Châu có sáu tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với tổng chiều dài 495 km như Quốc lộ 4D, 4H, 12, 32, 279 và 279D. Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), Ban Quản lý Dự án 2 để giải phóng mặt bằng cho dự án đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với thành phố Lai Châu. Tuyến đường huyết mạch này dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Đáng chú ý, tỉnh đang triển khai Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên - một trong những điểm đèo hiểm trở nhất khu vực Tây Bắc. Theo ông Mai Khắc Phượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, hầm Ô Quy Hồ dài 8,8 km, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023-2027. Dự án thay thế khoảng 17 km đường đèo nguy hiểm, rút ngắn thời gian di chuyển từ 30 phút xuống còn 8 phút, giảm ách tắc do băng tuyết, sạt lở. Sau khi hoàn thành, hầm sẽ thay thế 22 km đường đèo nguy hiểm trên Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian từ thành phố Lai Châu đến cao tốc Nội Bài-Lào Cai còn khoảng 2 giờ, tăng khả năng kết nối liên vùng, đồng thời loại bỏ các đoạn cua gấp, dốc lớn tiềm ẩn rủi ro cao.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông nội tỉnh Lai Châu đã đạt tổng chiều dài 5.874 km, tăng 273 km so với đầu nhiệm kỳ. Hạ tầng phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng cải thiện, bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện cả mùa mưa lẫn mùa khô. Tỷ lệ cứng hóa mặt đường nội tỉnh đạt 74,4%; trong đó, đường liên xã đạt 100%, đường thôn bản đạt 71%. Tất cả các xã có đường ô-tô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa đạt 100%; 99% thôn bản có đường xe máy hoặc ô-tô đi lại thuận lợi. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn bộ thôn bản sẽ có đường giao thông đạt yêu cầu, góp phần hoàn thành các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra.
Ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu cho biết, địa hình phức tạp và bị chia cắt là thách thức lớn đối với Lai Châu. Các tuyến quốc lộ chạy qua Lai Châu chủ yếu là đường cấp IV, V miền núi, nhỏ hẹp, độ dốc lớn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Để khắc phục, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như tuyến nối đường bộ cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hầm đường bộ đèo Hoàng Liên; phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng để sớm triển khai các dự án như cao tốc nối từ Bảo Hà (Lào Cai) qua trung tâm tỉnh Lai Châu đến Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; hầm Khau Co trong tuyến đường nối giữa Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Bên cạnh đó, Lai Châu đang xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Tỉnh cũng ưu tiên cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, mở rộng một số đoạn qua đô thị, mở mới các tuyến đường tỉnh, liên xã tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Phát triển hạ tầng giao thông đang là bước đi chiến lược giúp Lai Châu từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, rút ngắn khoảng cách, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.