Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm OCOP Hoa Đất Mường.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm OCOP Hoa Đất Mường.

Đa dạng mẫu mã sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn tại tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ. Với tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, tỉnh đang có những sản phẩm OCOP ấn tượng đặc trưng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Dấu ấn sản phẩm bản địa

Tỉnh Hòa Bình (cũ) có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số, như Mường, Thái, Dao, H’Mông, Tày… Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, sản phẩm truyền thống và có những cách sản xuất riêng biệt. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển các sản phẩm OCOP đặc sắc như: Rượu cần, cơm lam, thổ cẩm Mường, dược liệu tự nhiên, mật ong rừng, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ vùng cao, và các sản phẩm chế biến từ gà đồi, cá sông Đà...

Thời gian qua, địa phương đã chủ động hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp nhỏ từng bước hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị. Trong 126 sản phẩm OCOP, có hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao cấp quốc gia năm 2024 là: Măng chua thái sẵn và măng nứa khô nấu ngay của Công ty cổ phần Kim Bôi; 15 sản phẩm hạng 4 sao và 109 sản phẩm hạng 3 sao . Chè Shan tuyết Pà Cò của Công ty TNHH Phương Huyền Hòa Bình; Bột nghệ gia vị Nhưng Vần của Công ty TNHH Nhưng Vần Hòa Bình; Trà Detox cam của Hợp tác xã 3T Farm; Du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Thung Nai... đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024.

Một điểm nhấn là gắn OCOP với du lịch cộng đồng. Tại các xã như: Mai Châu, Mường Hoa, Tiền Phong…, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống và thưởng thức, mua sắm sản phẩm OCOP tại chỗ.

Chị Hoàng Việt Hà, chủ thương hiệu quà tặng “Hoa Đất Mường”, chia sẻ, "Hoa Đất Mường" là sản vật của các địa phương được đóng gói thành những túi quà tặng thân thiện, giới thiệu cho khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến Hòa Bình. "Hoa Đất Mường" hội tụ hơn 100 sản phẩm nông nghiệp OCOP, hữu cơ, VietGAP của tỉnh mang đậm bản sắc xứ Mường gồm: Cao cà Gai Leo, cao Xạ Đen, trà Tam thất, Giảo Cổ Lam, trà Chanh đào mật ong, khăn thổ cẩm Chiềng Châu, khăn Piêu, mứt Cam, miến, măng… Các sản phẩm đều có tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc.

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Hòa Bình cũng đang tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Tiki…

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ cho biết, địa phương đang nỗ lực tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đào tạo nguồn nhân lực địa phương và hỗ trợ xúc tiến thương mại. Ngành cũng đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, hình thành mạng lưới liên kết sản xuất - tiêu thụ đồng bộ.

Trong năm 2025, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, xúc tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ đến tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, GMP, HACCP…); tập trung chuẩn hóa 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên (đạt từ 3 đến 5 sao); mở rộng điểm giới thiệu, bán hàng trên toàn tỉnh, gồm cả sự hiện diện trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Đinh Công Sứ cho biết: Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình; quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn; xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Xem thêm