Người dân trồng bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân, tỉnh Tuyên Quang sử dụng bẫy để diệt trừ sâu bệnh.
Người dân trồng bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân, tỉnh Tuyên Quang sử dụng bẫy để diệt trừ sâu bệnh.

Cần giải pháp đồng bộ tăng giá trị cây ăn quả


Vùng trung du và miền núi phía bắc là một trong những vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của cả nước, với diện tích gần 272 nghìn ha, chiếm khoảng 21% tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc. 

Các địa phương trong vùng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, chuyên sâu, tạo nền tảng cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Trong 20 năm (từ năm 2004 đến năm 2024) diện tích 10 loại cây ăn quả chủ lực của vùng là vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na, mận, hồng giòn, chanh leo tăng hơn 2,5 lần. Trong đó một số cây tăng mạnh như bưởi tăng 135%; na tăng 100%; cam tăng 77%; vải tăng 47,5%; nhãn tăng 50%; chuối tăng 50%... Một số vùng cây ăn quả chủ lực hàng hóa đã được hình thành tập trung ở các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn…

Là một trong những địa phương điển hình trong vùng trung du và miền núi phía bắc về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Sơn La đang trở thành hình mẫu tiêu biểu ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào phát triển cây ăn quả. Tỉnh đã lựa chọn và đưa vào sản xuất hàng loạt giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao như xoài, nhãn chín muộn, na hoàng hậu…; đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như ghép mắt, giâm cành, nuôi cấy mô. Hiện nay, địa bàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến cây ăn quả; hơn 500 cơ sở sơ chế và 10 nhà máy chế biến quy mô lớn đã và đang vận hành hiệu quả.

Tháng 5 vừa qua, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cây ăn quả miền núi phía bắc” được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết: Đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 85.050 ha, sản lượng khoảng 510.000 tấn. Toàn tỉnh có hơn 4.700ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và năm vùng sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã có 218 mã số vùng trồng được cấp, tạo điều kiện thuận lợi để cây ăn quả của Sơn La tiếp cận được thị trường quốc tế và đã có mặt tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Cây ăn quả đã mang lại thu nhập ổn định cho người trồng, bình quân từ 150- 300 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình tiêu biểu đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Các hợp tác xã từng bước áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, tưới nhỏ giọt, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp và ưu tiên biện pháp sinh học để nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm.

Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như: Ghép mắt, ghép cành; vi ghép đỉnh sinh trưởng đối với cây có múi; triển khai đồng bộ các công nghệ: vi sinh, nano, tưới tiết kiệm, canh tác thông minh và số hóa toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thông minh và số hóa ngày càng được mở rộng, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực của vùng đã được công nhận OCOP từ 3 sao đến 5 sao.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả trong vùng cũng gặp nhiều khó khăn như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh mún, phần lớn là đất dốc, khó áp dụng cơ giới hóa và tưới tiêu; hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và sâu bệnh gia tăng ảnh hưởng lớn đến cây trồng, đặc biệt là vải, nhãn, cây có múi, chanh leo. Khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản còn hạn chế, tỷ lệ hao hụt cao. Cùng với đó, cơ sở chế biến còn ít, nên tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra...

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang (trước sáp nhập) cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 17.550 ha cây ăn quả, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm. Trong đó, cam và bưởi là cây chủ lực, cùng nhiều loại cây có lợi thế như chuối, nhãn, na, hồng… Tỉnh đã có 2.199 ha được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Tuy nhiên, trình độ thâm canh chưa đồng đều, nhiều diện tích còn canh tác theo tập quán truyền thống, năng suất chưa ổn định. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất an toàn còn thấp.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang ưu tiên cải tạo vườn cây già cỗi bằng giống mới chất lượng cao, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tăng cường hỗ trợ người dân đăng ký mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến và đóng gói sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh chú trọng thúc đẩy liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như EU, Anh, Mỹ…

Ông Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030: diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng hơn 16 triệu tấn; trong đó, cây ăn quả chủ lực chiếm 1 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Để vùng cây ăn quả vùng trung du và miền núi phía bắc phát triển bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng trồng phù hợp điều kiện sinh thái; đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, chế biến, bảo quản. Đặc biệt, các tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ và chuyển đổi số vào toàn bộ chuỗi sản xuất từ canh tác, giám sát dịch hại, tưới tiêu tự động đến thu hoạch, bảo quản, truy xuất nguồn gốc. Việc hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ cần được tăng tốc. Song song với đó, cần đào tạo nông dân sản xuất theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, sinh thái...

Xem thêm