Nguồn lực dồi dào nhưng còn bỏ ngỏ
Tây Bắc, vùng đất thiêng liêng và hùng vĩ, từ lâu đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng những lợi thế vượt trội về khí hậu, thổ nhưỡng cùng sự đa dạng sinh học phong phú. Với những điều kiện lý tưởng này, Tây Bắc được giới chuyên gia đánh giá là vùng tiềm năng bậc nhất trong phát triển nông lâm sản hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt phải kể đến nguồn tài nguyên cây dược liệu vô cùng quý giá. Nơi đây cũng được các chuyên gia, nhà khoa học ví là "thủ phủ dược liệu" của Việt Nam.
Cơ hội cho dược liệu Tây Bắc là vô cùng lớn, khi nhu cầu thị trường, cả trong nước và quốc tế, đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhận định: Tây Bắc có lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao.
Đối với dược liệu, Việt Nam hiện tiêu thụ nội địa khoảng 80.000 tấn mỗi năm, trong khi khả năng tự cung mới chỉ đáp ứng được 20-30%. Khoảng trống thị trường này là cơ hội vàng cho Tây Bắc nếu tổ chức được sản xuất bài bản theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng trồng đạt chuẩn và đẩy mạnh chế biến sâu.
Mặc dù được ví là “lợi thế cạnh tranh trời cho” của miền núi, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú của Tây Bắc vẫn chưa phát triển thành ngành hàng có quy mô và giá trị cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng thẳng thắn nhận định: “Một trong những mảng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm là cây dược liệu. Sản xuất dược liệu hiện nay vẫn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, khiến sản phẩm khó đạt giá trị tối ưu".
Một trong những mảng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm là cây dược liệu. Sản xuất dược liệu hiện nay vẫn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, khiến sản phẩm khó đạt giá trị tối ưu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng
Một trong những lý do cốt lõi là hệ thống chính sách và pháp lý còn thiếu đồng bộ và đặc thù.
TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu lâm sinh) cho rằng, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành chỉ lồng ghép nội dung dược liệu trong ngành lâm nghiệp hoặc y học cổ truyền, chưa có hành lang pháp lý riêng biệt. Điều này khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong quy hoạch vùng nguyên liệu lớn, chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, việc thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật cho khai thác bền vững đang đẩy dược liệu vào nguy cơ bị khai thác cạn kiệt. Trong khi đó, doanh nghiệp khó mặn mà đầu tư vào chế biến sâu và chuỗi giá trị do thiếu chính sách tín dụng, bảo hiểm phù hợp.
Riêng với loài sâm Lai Châu đặc hữu, ông Bùi Huy Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, địa phương gặp vướng mắc trong việc cấp mã số cơ sở trồng sâm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 84/2021/NĐ-CP.
Ông Phương đề xuất cần có cơ chế, chính sách riêng cho phát triển sâm Việt Nam nói chung và Sâm Lai Châu nói riêng, từ đầu tư, khai thác đến chế biến. Hiện, sâm Lai Châu chưa được công nhận trong danh mục ADN tại Nhật Bản, thị trường tiềm năng, gây trở ngại trong xuất khẩu.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã xử lý 40 vụ vi phạm liên quan đến sâm, trong đó có 37 vụ hành chính và 3 vụ hình sự, với tổng lượng sâm tịch thu hơn 1 tấn. Điều này cho thấy tính cấp thiết của một khung pháp lý minh bạch, chặt chẽ để bảo vệ nguồn tài nguyên quý.
Cần chiến lược tổng thể và đột phá công nghệ
Ngoài các rào cản chính sách, dược liệu Tây Bắc còn đối mặt với hạn chế về khoa học công nghệ và đầu tư.
Ông Bùi Huy Phương đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu về nuôi cấy mô sâm Lai Châu để nhân giống nhanh và hiệu quả; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến; hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch; xác định thành phần hóa học, dược chất, dược tính chi tiết; và xây dựng quy trình sản xuất, chế biến đạt chuẩn quốc tế như GACP-WHO, GMP-WHO.
Hiện nay, công nghệ bảo quản, chế biến và truy xuất nguồn gốc của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu. Vì vậy, cần đầu tư toàn diện, từ cơ sở vật chất đến chuyển giao công nghệ hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng đề xuất: Mỗi hécta đất nông nghiệp miền núi cần đạt thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm, đặc biệt với cây dược liệu. Muốn vậy, phải tổ chức lại toàn bộ chuỗi sản xuất, từ trồng trọt, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, để tối đa hóa giá trị và xây dựng thương hiệu vùng miền bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công khẳng định: tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững. Sơn La hiện định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thông minh và ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại Lai Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Trọng Hải cho biết, tỉnh đang tập trung bảo tồn giống gốc, lựa chọn cây mẹ, cây đầu dòng chất lượng cao, xác lập vùng nguyên liệu phát triển sâm Lai Châu theo hướng hữu cơ, sạch, đạt chuẩn quốc tế.
Địa phương này không mở rộng tràn lan, mà tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Lai Châu cũng ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ trồng và chế biến sâm, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ giống, xây dựng nhà máy chế biến và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Trong giai đoạn đầu, tỉnh định hướng chế biến sâm Lai Châu thành thực phẩm chức năng để thuận lợi tiếp cận thị trường Nhật Bản và quốc tế, từng bước đưa sản phẩm vào danh mục nguyên liệu chính thức.
Ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. Đồng thời, cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và địa phương nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn chung và khai thác hiệu quả lợi thế dược liệu "trời cho" của vùng Tây Bắc.