Chiều 30/6, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ngành bán dẫn đang bước vào kỷ nguyên bùng nổ, trở thành tâm điểm chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Thị trường chip bán dẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép lên tới 14% trong suốt hai thập kỷ qua. Với đà phát triển này, ngành bán dẫn sẽ cán mốc nghìn tỷ đô-la vào năm 2030, trở thành trụ cột chiến lược của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, không chỉ là động lực kinh tế và công nghệ, chất bán dẫn ngày nay còn là biểu tượng của sức mạnh và vị thế quốc gia trên bản đồ địa chính trị.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến 2050. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao, trong đó có 42.000 kỹ sư, 7.500 thạc sĩ, 500 nghiên cứu sinh và 5.000 chuyên gia về AI phục vụ ngành bán dẫn.
Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết thực tế hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, nhưng thiếu chiến lược về chất lượng và cấu trúc. Tức là việc đào tạo mới đáp ứng 15% trình độ quốc tế và 40% cần đào tạo lại sau tuyển dụng.
“Cùng với đó, Việt Nam chỉ đào tạo khoảng 22% yêu cầu kỹ năng chuyên sâu, thiếu hụt 85% chuyên gia đầu ngành. Không chỉ có vậy tỷ lệ "chảy máu chất xám" lên đến 35%, trong đó 70% sinh viên xuất sắc du học không trở về và 65% kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài không quay lại sau 5 năm làm việc”, Tiến sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Chử Đức Hoàng đã đề xuất phương án: Xây dựng mô hình 70:20:10. Điều này có nghĩa là, mô hình đào tạo-giữ chân-phát triển cho 50.000 kỹ sư với tỷ lệ chính xác 70:20:10 (kỹ sư vận hành:thiết kế:nghiên cứu) để bảo đảm tăng trưởng bền vững 25%/năm cho ngành bán dẫn Việt Nam.
Đối với việc đào tạo, Tiến sĩ Hoàng cho rằng, 20 trường công nghệ hàng đầu sẽ tham gia đào tạo với 5.000 sinh viên/năm, sẽ tạo nền tảng cho 10.000 kỹ sư bán dẫn/năm.
Hội thảo đã cho ý kiến về nhân lực chiến lược, trong số 50.000 kỹ sư, cần phân chia 35% vào luồng tinh hoa và 65% vào luồng thực chiến, bảo đảm cân bằng giữa nghiên cứu và sản xuất. Để đào tạo kỹ sư tinh hoa, gồm 17.500 kỹ sư, cần đào tạo 4+2 năm chuyên sâu, hợp tác quốc tế. Đối với kỹ sư chiến lược, tương đương 32.500 kỹ sư, sẽ đào tạo 2,5-3 năm với 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng đề cập đến việc, bên cạnh đẩy mạnh các chương trình giảng dạy chuyên sâu tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, thì để có nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp để bảo đảm rằng chúng ta có đủ nguồn nhân lực và chính sách phù hợp để hỗ trợ ngành công nghiệp chiến lược này.
Hiến kế cho việc hợp tác với doanh nghiệp, ông Lê Hải Anh, Giám đốc công ty Dolphin Technology Vietnam Center chỉ ra, cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp từ các chương trình tham quan, kiến tập, thực tập, đồ án tốt nghiệp; liên kết đào tạo với doanh nghiệp theo nhu cầu đặc thù, giảm thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, và có cơ chế đãi ngộ, tuyển dụng giảng viên, thỉnh giảng từ chuyên gia tại các công ty.
Tại hội thảo, các mô hình đào tạo hiệu quả, các giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp-nhà trường-cơ quan quản lý cũng đã được các khách mời phân tích kỹ lưỡng để đề xuất giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái phát triển nhân lực toàn diện, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.