Giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng và côn trùng (Học viện Quân y) hướng dẫn học viên thực hành soi tiêu bản ký sinh trùng.
Giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng và côn trùng (Học viện Quân y) hướng dẫn học viên thực hành soi tiêu bản ký sinh trùng.

Ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo y dược

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là trong lĩnh vực y dược. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng), Trường đại học Y Hà Nội (Bộ Y tế) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học...

Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quân y (Học viện) cho biết, những năm qua, đơn vị này đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ số vào hoạt động đào tạo bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng đào tạo y dược trong quân đội.

Hiện Học viện đã trang bị tương đối đồng bộ về thiết bị công nghệ thông tin cho hệ thống phòng học, phòng thi trắc nghiệm, thư viện, phòng học tập trung và các khu vực giảng dạy lâm sàng, bệnh viện.

Hướng tới phương pháp giảng dạy-học tập hiện đại, tăng tính trực quan, sinh động, Học viện đang thí nghiệm triển khai phòng học số theo mô hình tích hợp các công nghệ như: Màn hình tương tác, bục giảng thông minh, hệ thống trả lời trắc nghiệm điện tử, camera thông minh…

Với định hướng đẩy mạnh số hóa toàn diện hoạt động giảng dạy và quản lý, một số hệ thống phần mềm trọng điểm đã và đang được Học viện triển khai đồng bộ, như: quản lý đào tạo, tổ chức thi (trắc nghiệm, tự luận, lâm sàng), quản lý giảng viên, học viên, ngân hàng câu hỏi-đề thi, thư viện số, đào tạo trực tuyến (e-Learning - Moodle) và cổng thông tin học viên.

Ngoài ra, ngân hàng câu hỏi và đề thi cũng được quản lý theo hướng bảo mật cao, sử dụng hệ thống mạng riêng biệt bảo đảm tính an toàn thông tin, đồng thời tích hợp khả năng đánh giá phản hồi chất lượng đề thi để cải tiến công tác giảng dạy.

Cùng với đó, hệ thống quản lý giảng viên cho phép tích hợp nhiều chức năng một cổng duy nhất, như: cập nhật hồ sơ, lịch giảng, điểm danh, chấm điểm, đánh giá chuyên cần, tra cứu thông tin chuyên môn, nghiên cứu, điều trị phục vụ đầy đủ yêu cầu của đội ngũ giảng viên đa nhiệm.

Cũng như Học viện Quân y, giai đoạn 2020-2025, Trường đại học Y Hà Nội đã tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo và bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Kim Thanh cho biết, trong lộ trình đổi mới đào tạo y khoa theo mô hình dựa trên năng lực (CBME), nhà trường đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số, lấy hệ thống quản lý học tập (LMS) làm trung tâm cho hoạt động dạy-học. Việc số hóa toàn diện không chỉ thay đổi phương thức tổ chức giảng dạy mà còn tái cấu trúc cách thức đánh giá năng lực người học, bảo đảm tính liên tục, minh bạch và cá nhân hóa trong suốt quá trình đào tạo.

Đáng chú ý, hệ thống LMS được tùy biến chuyên sâu để hỗ trợ đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra của chương trình y khoa mới, với các tính năng như: tích hợp khung năng lực đào tạo cho từng chương trình được thiết lập dưới dạng số hóa, cho phép sinh viên và giảng viên theo dõi tiến độ hoàn thành từng năng lực bằng trực tuyến và cập nhật theo thời gian thực; các bài đánh giá thực hành lâm sàng trực tiếp được tổ chức thông qua LMS, cho phép giảng viên nhận xét và chấm điểm ngay tại chỗ bằng thiết bị di động hoặc máy tính bảng…

Nhờ việc đổi mới đào tạo theo mô hình dựa trên năng lực (CBME), các chương trình đào tạo về y khoa, răng hàm mặt, điều dưỡng đã được xây dựng và cụ thể hóa chuẩn đầu ra theo mô hình năng lực, bảo đảm sự minh bạch và định hướng rõ ràng cho người học.

Kết quả cho thấy, hơn 85% sinh viên được đánh giá liên tục dựa trên năng lực, thông qua hệ thống điện tử tích hợp, góp phần nâng cao tính chính xác và khách quan; tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn năng lực lâm sàng cơ bản trước khi tốt nghiệp đạt hơn 90%.

Bên cạnh đó, sau 5 năm triển khai, hơn 95% giảng viên đã có khả năng vận hành độc lập các hệ thống quản lý học tập (LMS), hồ sơ học tập điện tử (e-Portfolio) và các công cụ đánh giá năng lực trực tuyến; hơn 60% giảng viên tham gia xây dựng học liệu số hóa và tổ chức hoạt động giảng dạy theo mô hình học kết hợp trong chương trình đào tạo y khoa…

Để duy trì áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực ngành y dược, Học viện Quân y xác định, cần sớm đầu tư nâng cấp hệ thống mạng tốc độ cao, phủ sóng toàn diện và ổn định trong toàn học viện; xây dựng trung tâm dữ liệu (phòng máy chủ) hiện đại, bảo đảm lưu trữ an toàn; chuẩn hóa và tích hợp các phần mềm quản lý trên một nền tảng thống nhất; tổ chức đào tạo định kỳ về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng trực tuyến, sử dụng các trang thiết bị công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ công nghệ thông tin có trình độ và năng lực; mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài học viện về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số trong giáo dục y khoa…

Trường đại học Y Hà Nội cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển bộ công cụ đánh giá năng lực lâm sàng điện tử chuẩn hóa, có kiểm định nội bộ định kỳ nhằm bảo đảm chất lượng và độ tin cậy; nghiên cứu xây dựng khung ứng dụng AI trong môi trường học tập giảng dạy, nghiên cứu bảo đảm tính trách nhiệm và liêm chính. Mặt khác, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, đồng hành cùng giảng viên trong quá trình thay đổi phương pháp tiếp cận đào tạo.

Xem thêm