Pin sạc dự phòng cần được quản lý và sử dụng đúng cách để bảo đảm an toàn cho người dùng. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Pin sạc dự phòng cần được quản lý và sử dụng đúng cách để bảo đảm an toàn cho người dùng. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Quản lý để giảm rủi ro từ pin sạc dự phòng

Thời gian gần đây, có không ít thông tin về những vụ cháy nổ do pin sạc dự phòng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Thí dụ, gần đây xảy ra vụ việc một chiếc pin sạc dự phòng bất ngờ bốc cháy dữ dội trong quán cà-phê tại Thành phố Hồ Chí Minh; hay vụ hỏa hoạn thiêu rụi một phần căn hộ chung cư tại Hà Nội với nguyên nhân ban đầu được xác định là do sạc pin dự phòng qua đêm.

Trên thế giới, tại Trung Quốc vừa qua cũng xảy ra vụ cháy pin sạc dự phòng trong khoang hành lý xách tay của một máy bay thuộc hãng Hong Kong Airlines (chuyến bay mang mã số HX115), khởi hành từ Hàng Châu về Hong Kong… Đó là những lời cảnh báo về mối nguy từ pin sạc dự phòng.

Theo các chuyên gia về thiết bị điện tử, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự cố cháy, nổ pin sạc dự phòng xuất phát từ hai yếu tố chính: chất lượng sản phẩm và thói quen sử dụng của người dùng.

Thị trường pin sạc dự phòng hiện nay “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng dễ bị lạc vào ma trận hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Để cạnh tranh về giá, nhiều nhà sản xuất đã cắt giảm chi phí, phớt lờ các tiêu chuẩn an toàn cơ bản.

Sự khác biệt giữa một sản phẩm chính hãng và một sản phẩm trôi nổi, giá rẻ chủ yếu ở lõi pin (cell pin), mạch điều khiển (PCB) và vỏ bảo vệ pin sạc dự phòng. Lõi pin được coi là “trái tim” của pin dự phòng. Các sản phẩm uy tín sử dụng lõi pin lithium-polymer (li-po) hoặc lithium-ion (li-ion) cao cấp, được kiểm định nghiêm ngặt về tuổi thọ và độ an toàn.

Ngược lại, hàng giá rẻ thường sử dụng lõi pin tái chế, không rõ nguồn gốc, dung lượng “ảo” và có độ ổn định thấp. Những lõi pin này rất dễ bị biến dạng, quá nhiệt khi sạc hoặc xả, dẫn đến hiện tượng đoản mạch (chập điện) và gây ra phản ứng nhiệt dây chuyền không thể kiểm soát, cuối cùng là phát nổ.

Mạch điều khiển có vai trò như “bộ não”, trong các sản phẩm chính hãng, nó được tích hợp các chíp thông minh để quản lý dòng điện, bảo vệ thiết bị khỏi các sự cố quá dòng, quá áp, quá nhiệt và tự động ngắt khi sạc đầy. Các sản phẩm kém chất lượng, bộ phận sống còn này thường bị loại bỏ hoặc thay thế bằng linh kiện thô sơ, không bảo đảm chức năng bảo vệ, khiến viên pin trở nên nguy hiểm.

Vỏ của pin sạc chất lượng cao thường được làm từ nhựa ABS hoặc PC có khả năng chống cháy lan, chịu được nhiệt độ cao. Trong khi đó, vỏ nhựa rẻ tiền của hàng giả dễ dàng nóng chảy, biến dạng và thậm chí bắt lửa khi nhiệt độ bên trong pin tăng cao.

Ngoài nguy cơ cháy nổ, việc sử dụng pin dự phòng kém chất lượng còn có thể cung cấp dòng điện đầu ra không ổn định, từ từ phá hủy vi mạch và làm hỏng pin của các thiết bị điện tử đắt tiền. Bên cạnh đó, khả năng rò rỉ các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân từ những viên pin kém chất lượng cũng là rủi ro tiềm tàng đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Hiện nay, việc quản lý pin lithium tích hợp trong thiết bị cầm tay như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay... được quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BTTTT, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay (QCVN101:2020/BTTTT). Tuy nhiên, pin sạc dự phòng với độ rủi ro cao hơn lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của bất kỳ quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc nào.

Điều đó có nghĩa pin sạc dự phòng chưa được phân loại cụ thể và quản lý như một nhóm sản phẩm riêng. Việc kiểm tra, kiểm định chất lượng pin dự phòng chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa bên sản xuất và người tiêu dùng, chưa có chế tài đủ mạnh để kiểm soát thị trường trôi nổi.

Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu, pin sạc dự phòng buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn cháy nổ, bảo vệ mạch điện và khả năng chịu nhiệt. Các sản phẩm nhập khẩu cũng phải có chứng nhận bắt buộc. Trong khi đó, tại Việt Nam, loại sản phẩm này vẫn dễ dàng được bày bán công khai ở chợ điện tử, sàn thương mại điện tử.

Nhiều người cho rằng chỉ cần mua sản phẩm từ các thương hiệu lớn là có thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề an toàn là một thách thức kỹ thuật phức tạp và ngay cả những nhà sản xuất danh tiếng cũng không tránh khỏi sai sót.

Gần đây, một số hãng lớn trong thị trường phụ kiện trên thế giới như Anker, Romoss đã phải phát đi thông báo thu hồi trên toàn cầu đối với hàng triệu pin sạc dự phòng. Đáng chú ý, các model bị thu hồi cũng đang được bán tại Việt Nam. Nguyên nhân được các hãng đưa ra là do một lỗi sản xuất tiềm ẩn có thể khiến thiết bị quá nhiệt, làm phồng lớp vỏ nhựa và dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Việc này cho thấy, rủi ro không chỉ đến từ hàng giả, hàng nhái mà có thể xảy ra ngay trong những sản phẩm chính hãng do lỗi kỹ thuật.

Để bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu nguy cơ tai nạn, các chuyên gia khuyến nghị cần nhanh chóng bổ sung pin sạc dự phòng vào danh mục sản phẩm cần kiểm định bắt buộc. Việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện, pin lithium và bộ mạch sạc trong pin dự phòng cần được ưu tiên thực hiện. Song song đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, giả mạo thương hiệu.

Đối với người tiêu dùng, cần lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, mua tại các cửa hàng, hệ thống phân phối chính thức, có đầy đủ tem chống hàng giả, nhãn phụ tiếng Việt và chính sách bảo hành rõ ràng; tìm kiếm các chứng nhận an toàn quốc tế phổ biến trên bao bì như CE (tiêu chuẩn châu Âu), FCC (tiêu chuẩn Mỹ), RoHS (hạn chế thôi nhiễm hóa chất độc hại). Đồng thời, cần sử dụng đúng cách như không được vừa sạc vừa xả pin; không để pin dự phòng ở những nơi có nhiệt độ cao; ngừng sử dụng khi phát hiện pin có các dấu hiệu bất thường như bị phồng, biến dạng, nóng quá mức khi sạc hoặc có mùi lạ

Xem thêm