Nghiên cứu sinh Viện Di truyền Nông nghiệp kiểm tra mẫu cây trồng. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Nghiên cứu sinh Viện Di truyền Nông nghiệp kiểm tra mẫu cây trồng. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Ứng dụng khoa học công nghệ để chọn tạo cây giống

Giống cây trồng được xem là yếu tố khởi đầu mang tính chiến lược trong sản xuất nông nghiệp.

Thời gian gần đây, rất nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường đã được đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nền tảng cốt lõi của sản xuất

Từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, đến nay đã có 309 giống lúa, 144 giống ngô được công nhận hoặc gia hạn lưu hành. Việt Nam tự chủ gần như hoàn toàn sản xuất giống lúa hằng năm và phần lớn giống ngô lai, giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, phong phú kho giống, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Thị Thu Hương, đối với cây lúa, nhiều giống mới như ST24, ST25, OM18, đài thơm 8, OM5451… đã được đưa vào sản xuất đại trà, cho năng suất ổn định, đáp ứng yêu cầu chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Một số giống lúa của Việt Nam như ST24, ST25 được công nhận là loại gạo ngon hàng đầu thế giới, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Cùng với đó, các giống ngô lai chất lượng cao, giống ngô chuyển gen cũng được ứng dụng hiệu quả tại nhiều vùng sản xuất. Đối với cây ăn quả, các giống như: cam V2, bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, xoài cát Hòa Lộc… cũng được sản xuất đại trà, cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều loại đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ.

Theo bà Hương, việc áp dụng giống mới đã góp phần làm tăng năng suất từ 8-15% tùy loại cây trồng, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện sinh kế cho nông dân, thay đổi rõ nét diện mạo ngành trồng trọt. Thực tế đã chứng minh, các giống lúa như ST24, ST25, đài thơm 8 hay OM5451 không chỉ cho năng suất cao, nhờ phẩm chất gạo thơm, dẻo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở phân khúc cao cấp đã góp phần tạo dựng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan và xâm nhập mặn lan rộng, giống cây trồng chính là “lá chắn” bảo vệ sản xuất. Đơn cử như tại các vùng có điều kiện sản xuất bất lợi ven biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ những giống lúa có khả năng chống chịu mặn tốt như lúa OM18, OMCS2000 đã giúp nông dân nơi đây duy trì sản xuất ổn định.

Giống cây trồng còn là chìa khóa để cơ cấu lại mùa vụ và hệ thống canh tác. Các giống lúa ngắn ngày như OM6976, OM6162 giúp mở rộng diện tích canh tác 3 vụ/năm, tăng hệ số sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện luân canh, xen canh linh hoạt với cây màu hoặc cây họ đậu để cải tạo đất và cắt mầm sâu bệnh. Một lợi ích quan trọng khác là việc sử dụng giống khỏe, kháng bệnh cao sẽ giúp giảm nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, điều này có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn môi trường.

screenshot-2025-07-06-at-062851.jpg
Thu hoạch lúa tại ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Phát triển cân đối các loại giống cây trồng

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng ngành giống cây trồng Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long cho rằng, công tác chọn tạo giống cây trồng hiện nay đang có sự mất cân đối trong nghiên cứu giữa cây lương thực và cây ăn quả, hạn chế trong cải tiến giống lâm nghiệp. Việc đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo cây giống hiện nay chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực như: lúa, ngô, đậu đỗ; trong khi cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và cây lâm nghiệp có giá trị, tiềm năng xuất khẩu cao lại chưa được chú trọng phát triển tương xứng.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo cây giống vẫn ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nhân lực trình độ cao, cơ sở vật chất chưa đồng bộ và chi phí nghiên cứu còn cao. Hoạt động sản xuất giống vẫn chủ yếu theo mô hình hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết với doanh nghiệp và thị trường khiến việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và mở rộng quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về quy định pháp luật trong lĩnh vực giống cây trồng còn hạn chế. Ngoài ra, thị trường giống vẫn tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền giống, ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng này và làm giảm động lực đầu tư đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, việc thiếu các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ giống chất lượng cao cũng đang là điểm nghẽn.

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Nguyễn Đình Trung, hiện nay, cơ chế chính sách chưa thật sự đồng bộ, thiếu nguồn gen quý, hạn chế nhân lực có trình độ chuyên môn sâu; thời gian nghiên cứu cây giống dài, chi phí cao, rủi ro do biến đổi khí hậu và thị trường, tình trạng sao chép giống cũng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành giống cây trồng.

Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: Ưu đãi tài chính, cải cách pháp lý, phát triển hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công-tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nguồn gen tiên tiến.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương kiến nghị, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giống cây trồng nhằm bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động chọn tạo, sản xuất và kinh doanh giống. Ngoài ra cũng cần khuyến khích đầu tư thông qua cơ chế tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu-phát triển (R&D), nhất là đối với giống chủ lực như lúa, ngô, sắn, rau, hoa, cây ăn quả. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện canh tác khắc nghiệt; việc ứng dụng công nghệ sinh học cần được ưu tiên trong các chương trình nghiên cứu khoa học; ngành giống cần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi khép kín, bảo đảm kiểm soát từ giống gốc đến thương phẩm, với sự tham gia chặt chẽ của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình hợp tác công-tư (PPP)...

Xem thêm