Hỏi: Công nghệ thực tế ảo và công nghệ thực tế ảo tăng cường là gì, và chúng khác nhau như thế nào?
Đáp: Công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (viết tắt là VR) và công nghệ thực tế tăng cường Augmented Reality (viết tắt là AR) được đánh giá là một trong những công nghệ nòng cốt tạo ra cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Đây là những công nghệ nhập vai, cho phép người dùng trải nghiệm nội dung được hiển thị kỹ thuật số trong thế giới thật và ảo. Cụ thể, công nghệ thực tế ảo (VR) là một ứng dụng trong công nghệ máy tính nhằm mục đích mô phỏng lại thế giới thực; trong đó, VR đặt người dùng vào trung tâm của trải nghiệm thông qua tương tác trong thế giới 3D.
Đây là môi trường số hóa hoàn toàn, sử dụng kính hoặc thiết bị đeo đặc biệt. Máy tính sẽ làm nhiệm vụ mô phỏng vật thể sống động và có khả năng tác động lên các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác nhằm biến những trải nghiệm ảo trở nên như thật.
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) là công nghệ tạo ra những hình ảnh kỹ thuật số có khả năng hiển thị ngay trong thế giới thật. Hay nói cách khác, người dùng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng… để trải nghiệm các đối tượng và nội dung ảo trên môi trường vật lý.
Điểm khác nhau giữa hai công nghệ này nằm ở chỗ, thực tế ảo tăng cường (AR) không phải một trải nghiệm hoàn toàn nhập vai như thực tế ảo (VR). Thực tế ảo (VR) yêu cầu người dùng sử dụng một thiết bị đặc biệt để bước vào bên trong một thế giới kỹ thuật số còn thực tế ảo tăng cường (AR) lại cho phép tiếp tục tương tác với thế giới vật lý chung quanh.
Hỏi: Công nghệ thực tế ảo VR và công nghệ thực tế ảo AR đang được ứng dụng trong ngành du lịch ra sao?
Đáp: Du lịch thực tế ảo là việc số hóa không gian thực thông qua những thiết bị chuyên dụng. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được xử lý trên môi trường 3D thực tế ảo nhằm mục đích mang đến trải nghiệm sống động cho khách tham quan.
Trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng du lịch tại nhà qua công nghệ thực tế ảo. Chỉ cần sử dụng thiết bị hỗ trợ với những thao tác đơn giản, du khách có thể đứng tại không gian mình muốn, di chuyển và quan sát trọn vẹn chung quanh, thậm chí có thể tương tác với các đồ vật.
Trên thế giới, thị trường du lịch thực tế ảo đã tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Mordor Intelligence có trụ sở tại Ấn Độ, quy mô thị trường du lịch thực tế ảo năm 2024 ước tính đạt 67,66 tỷ USD vào năm 2024, tăng mạnh lên 204,35 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng 24,74%/năm.
Nhiều quốc gia đang triển khai công nghệ thực tế ảo như một yếu tố thúc đẩy du lịch bền vững. Thí dụ, Trung Quốc thực hiện nhiều tour du lịch thám hiểm nhập vai ăn khách nhờ công nghệ thực tế ảo, nổi bật nhất là tour khám phá cung điện Potala nằm ở độ cao 3.600m so với mực nước biển tại Tây Tạng dành cho những người mắc chứng sợ độ cao.
Các bảo tàng tại Ai Cập cũng sớm đưa công nghệ thực tế ảo vào để phục vụ du khách. Nhờ các thiết bị hỗ trợ, khách tham quan có thể quan sát các phiên bản số ở dạng đầy đủ về các bức tượng và hiện vật bị hư hại.
Dự án “Hồi sinh di sản” phục dựng kỹ thuật số các hiện vật của các vị vua Ai Cập cổ đại cũng đã tạo ra một sức hút lớn với khách du lịch bản địa và quốc tế.
Ở Việt Nam, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong tour khám phá hang động Sơn Đoòng. Với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, du khách có thể cảm nhận chân thật như đang đứng trong lòng hang động lớn nhất thế giới giữa những khối thạch nhũ khổng lồ, nghe được cả âm thanh của tiếng gió trên vách đá...
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo thiết kế tour “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ, du khách có thể tương tác với không gian lịch sử triều Nguyễn sống động như thật, từ các nghi lễ cung đình đến hình ảnh đổi gác tại Ngọ Môn.
Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hiện đã triển khai ứng dụng phần mềm du lịch, đưa công nghệ thực tế ảo VR360 vào các điểm du lịch tăng trải nghiệm cho du khách. Các di tích nổi tiếng của Hà Nội như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò hiện cũng đã triển khai công nghệ số hóa quét Laser 3D, thực tế ảo AR và VR tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch Hạ Long Wonder Park tại Quảng Ninh hiện có phòng trò chơi VR, cho phép du khách khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cũng như các cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước.
Tại Công viên Giải trí Phú Quốc, du khách có thể tham gia trò chơi thực tế ảo với nhiều trải nghiệm thú vị như đua xe trên đảo, phiêu lưu trên hành tinh khác và tham quan các địa danh nổi tiếng trên thế giới…