Mô hình này giúp gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thị trường lao động và nền kinh tế, qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học-công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Liên kết “ba nhà” góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu thực tiễn.
Những mô hình hiệu quả
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, trong xu thế phát triển hiện nay, việc hợp tác “ba nhà” không chỉ dừng lại ở đào tạo nguồn nhân lực, mà cần mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu để đưa khoa học vào sản xuất, đổi mới vào thị trường và tri thức vào phát triển. Hợp tác “ba nhà” cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng được các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, các cụm liên kết công nghiệp - học thuật, từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời là cách cụ thể hóa tinh thần hành động trong Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 59-NQ/TW về phát triển doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện.

Ra mắt Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp”
Thực tế hiện nay đã có nhiều mô hình, nhiều hoạt động liên kết “ba nhà” trong giáo dục đại học khá hiệu quả. Theo PGS, TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhờ thúc đẩy triển khai mô hình hợp tác “ba nhà”, giai đoạn 2022-2024, đơn vị đã triển khai 91 dự án hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và đối tác quốc tế, tổng giá trị đầu tư ngoài ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác vào các dự án khoa học-công nghệ đạt 252,53 tỷ đồng.
Doanh thu từ các hợp đồng tư vấn, dịch vụ, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học-công nghệ đạt 130,432 tỷ đồng với hơn 300 sản phẩm được đề xuất chuyển giao thương mại hóa. Riêng sáu tháng đầu năm 2025, có 50 dự án R&D hợp tác với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đã được triển khai. Nhiều lĩnh vực hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp để giải quyết các bài toán từ thực tiễn, gia tăng nguồn lực cho nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm chiến lược, ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa...
Giai đoạn 2021-2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký kết 250 văn bản hợp tác với 31 địa phương. Nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa lớn cho sự phát triển như 41 hoạt động góp ý thẩm định chiến lược, tư vấn chính sách, mô hình phát triển kinh tế-xã hội; 67 chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực triển khai tại các tỉnh, thành phố… Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký kết với 100 doanh nghiệp, tổ chức nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất…
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, PGS, TS Đặng Hoài Bắc chia sẻ, để triển khai hiệu quả hợp tác “ba nhà”, đơn vị xây dựng các chương trình đào tạo “định hướng nghề nghiệp ưu tiên” (Nhà nước tài trợ; nhà trường đào tạo; xã hội, doanh nghiệp sử dụng); xây dựng chương trình cùng đào tạo sinh viên tài năng (Nhà nước, xã hội cấp học bổng; nhà trường và doanh nghiệp cùng đào tạo).
Cùng với đó, xây dựng các cơ chế khuyến khích cho phép linh hoạt để nhà trường và doanh nghiệp cùng đào tạo (công nhận môn học của doanh nghiệp; ủy quyền cho doanh nghiệp đánh giá, trả lương; hỗ trợ nhà khoa học trong doanh nghiệp có tham gia đào tạo; miễn thuế cho doanh nghiệp khi kết hợp đào tạo…). Vì vậy, các hoạt động đào tạo nhân lực của học viện những năm qua đạt kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tháo gỡ các "nút thắt”
Mặc dù có nhiều mô hình hay, đạt kết quả tích cực, nhưng để hợp tác “ba nhà” thật sự hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Theo PGS, TS Phạm Bảo Sơn, thực tế hiện nay đầu tư cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia còn bị phân mảnh, thiếu ổn định. Các chương trình, đề tài khoa học-công nghệ còn đặt ở nhiều bộ, ngành, cơ quan và địa phương mà không có một “kiến trúc sư trưởng” dẫn đến đầu tư cho mỗi chương trình không lớn, không duy trì liên tục, dài hạn.
Cùng với đó, các chương trình thiếu tính liên thông, đồng bộ; các hoạt động R&D còn thiếu động lực do mối liên kết còn lỏng lẻo, độ cam kết về chất lượng và tiến độ sản phẩm của nhà khoa học, nhà trường thường không cao, doanh nhân, doanh nghiệp còn lo lắng về các rủi ro, trong khi đó, việc phân chia quyền và lợi ích khi thương mại hóa các sản phẩm khoa học-công nghệ vẫn còn bất cập…
Vì vậy, để thúc đẩy liên kết “ba nhà”, Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành các hướng dẫn để sớm áp dụng các điểm ưu việt của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW… vào thực tiễn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó chú trọng việc tháo gỡ các vướng mắc đan xen giữa các luật, nghị định và hướng dẫn thực thi các chính sách đột phá.
Các nhà trường cần nâng cao năng lực tự chủ và quản trị, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội; đồng thời xây dựng các nội dung hợp tác dài hạn phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và định hướng phát triển quốc gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chủ động bắt tay hợp tác với các trường, viện và các nhà khoa học trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học-công nghệ chiến lược.
PGS, TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để tháo gỡ các nút thắt trong hợp tác "ba nhà", Nhà nước cần chuyển dần vai trò từ "người cấp phát kinh phí" sang "người kiến tạo và hỗ trợ"; khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục đại học, hiệu quả hơn nhiều so với việc rót ngân sách trực tiếp. Doanh nghiệp phải là người ra đề bài, xác định rõ yêu cầu sản phẩm đầu ra và là nguồn tài chính chủ đạo, trong khi các cơ sở giáo dục đại học là nhà cung cấp dịch vụ R&D chuyên nghiệp. Mối quan hệ này được ràng buộc bởi một hợp đồng kinh tế sòng phẳng, minh bạch về tiến độ, chất lượng và quyền lợi sở hữu trí tuệ, bảo đảm sự cam kết cao nhất từ tất cả các bên.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, đã đến lúc các cơ sở giáo dục đại học phải đổi mới mạnh mẽ tư duy chiến lược và hành động, chuyển từ số lượng sang chất lượng, đặc biệt hướng tới chất lượng; nâng cao vai trò và vị thế trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Các trường cần rà soát, cập nhật chiến lược phát triển của từng trường, xác định rõ sứ mạng, chú trọng chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu; chủ động xây dựng các đề án, chương trình nghiên cứu và đào tạo, căn cứ vào các định hướng, nhiệm vụ của Chính phủ theo tiêu chí cạnh tranh, phù hợp với năng lực.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút và giữ chân giảng viên, sinh viên, nhất là nguồn nhân lực quốc tế. Các trường đại học cần xác định không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, lấy việc đào tạo gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo làm định hướng xuyên suốt, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.