Từ đầu năm 2025, nhiều bệnh viện công lập tại Cần Thơ triển khai hệ thống đặt khám trực tuyến qua ứng dụng Medpro. Ứng dụng cho phép người dân lựa chọn chuyên khoa, bác sĩ, khung giờ khám, thanh toán viện phí online và quét mã QR khi đến khám, không cần chờ đợi, làm thủ tục giấy như trước. Chỉ sau vài tháng, Medpro đã giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, đồng thời hỗ trợ bác sĩ trong quản lý hồ sơ bệnh án.
Một số cơ sở như Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Ô Môn… cũng triển khai ki-ốt điện tử. Người dân chỉ cần quét căn cước công dân gắn chip, thẻ bảo hiểm y tế hoặc VNeID để tự lấy số thứ tự. Bà Nguyễn Thị Hai chia sẻ: “Tôi từng đi khám nhiều lần, trước đây chờ đợi lâu nhưng nay nhờ cán bộ hướng dẫn tận tình cho nên mọi thao tác đều thuận tiện, dữ liệu được lưu trữ giúp tái khám nhanh hơn”.
Tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, chuyển đổi số diễn ra đồng bộ từ chuyên môn đến điều hành. Trong tháng 3 và 4/2025, bệnh viện tổ chức đào tạo Power BI cho 12 cán bộ nhằm nâng cao năng lực phân tích dữ liệu lâm sàng và hành chính. Đồng thời, bệnh viện hợp tác với Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Cần Thơ) để đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Kha, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Ứng dụng Power BI giúp bệnh viện ra quyết định nhanh và chính xác hơn, nhất là trong điều trị ung thư vốn cần dữ liệu liên tục. Thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo, hướng tới xây dựng bệnh viện điện tử”.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Ghi nhận tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa cho thấy nhiều nơi đang thiếu máy tính, máy in, máy quét mã QR... Đa số trạm y tế xã, phường chưa có cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách, dẫn đến tình trạng nhân viên y tế kiêm nhiệm, gây quá tải và giảm hiệu quả công việc.
Trước thực trạng đó, thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 30/9/2025, hoàn thành 100% bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, tập trung xây dựng kho dữ liệu y tế dùng chung, tích hợp với hệ thống dân cư, bảo hiểm xã hội và dữ liệu quốc gia về dân số. Các trạm y tế xã, phường được yêu cầu triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh, kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế, thời gian tới ngành y tế sẽ tập trung chuyển đổi số toàn diện trong khám chữa bệnh, y tế dự phòng và quản trị điều hành. “Chúng tôi yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, bảo đảm công tác cấp cứu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại ở những nơi có điều kiện”, ông Cường nhấn mạnh.
Chuyển đổi số y tế là yêu cầu tất yếu, nhưng để thành công, Cần Thơ cần tiếp tục đồng bộ nguồn lực, nâng cao năng lực số cho đội ngũ y tế, cải thiện hạ tầng công nghệ, và quan trọng nhất là xây dựng tư duy phục vụ lấy người dân làm trung tâm. Với quyết tâm và bước đi đúng hướng, ngành y tế Cần Thơ đang từng bước tiến tới một nền y tế hiện đại, hiệu quả và nhân văn.