Số nhà tạm nêu trên tính đến đầu tháng 7/2025 vẫn chưa được khởi công ở 37 xã vùng cao, vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu do địa hình phức tạp, đồi núi cao làm cho việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, giá tăng cao; nhiều hộ nghèo không có khả năng đối ứng; hỗ trợ của cộng đồng có hạn; quan niệm ngày tốt, tuổi đẹp mới khởi công; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và hộ dân chưa quyết tâm xóa nhà tạm.
Quyết tâm xóa cơ bản số nhà tạm này trước 31/8, trong đó xóa hết nhà tạm cho người có công trước 27/7 để bảo đảm an sinh xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị với các sở, ngành chức năng và 37 địa phương có nhà tạm, nhà dột nát trong tỉnh để bàn giải pháp khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo: “Xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm nhân văn, nhân ái, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với người dân nên cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm hơn, sáng tạo hơn, khẩn trương hơn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, trong đó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm mới, phương pháp, cách làm mới phù hợp thực tiễn”.

Ban Chỉ đạo cấp xã phải nỗ lực, quyết liệt hơn trong việc tuyên truyền, vận động những hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng chưa đăng ký, chậm nhất trước ngày 10/7 phải báo cáo số liệu chính xác để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; sau ngày 31/8, xã nào có trường hợp thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu mà không được hỗ trợ thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên, trong 2 ngày 5 và 6/7, tỉnh tổ chức 16 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn và người dân trên địa bàn.
Kiểm tra thực tế và làm việc với xã Thanh Mai, một trong những xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, 23 hộ có nhà dột nát chưa khởi công, 37 hộ có nhà dột nát mà không có nhu cầu xóa trong năm 2025 vì thiếu kinh phí đối ứng, giá vật liệu tăng cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, sâu sát từng hộ, huy động các nguồn lực, nhân lực tại chỗ để cùng chung tay, hỗ trợ khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát còn lại trên địa bàn trước 15/7.
Tại xã Chợ Rã, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đinh Quang Tuyên yêu cầu, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, công chức phải xuống từng thôn, tổ làm rõ nguyên nhân từng trường hợp thuộc diện xóa nhà tạm, dột nát nhưng chưa đăng ký thực hiện, đã đăng ký nhưng không có khả năng đối ứng hoặc vướng mắc khác để có giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất.
Mặc dù sau khi hợp nhất tỉnh, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang ngổn ngang công việc cần giải quyết, nhưng tỉnh Thái Nguyên coi xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, người dân là ưu tiên hàng đầu nên đang ráo riết chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này trong thời gian tới.