Cùng nằm trên vùng đất có truyền thống lịch sử-văn hóa lâu đời, ba địa phương trước đây vốn đã mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Ninh Bình - nơi khởi nguồn triều đại nhà Đinh và Tiền Lê sớm đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước, quốc tế với Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính…
Hà Nam, nơi có Quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn… đã định hình là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á.
Nam Định là quê hương của Trần triều với nhiều thế mạnh du lịch như: Đền Trần, quần thể Phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện, đường bờ biển dài hơn 70km…
Khi ba địa phương “về chung một nhà”, tỉnh Ninh Bình mới không chỉ là không gian liên kết của hơn 5.000 di tích, mà còn là nơi hội tụ của gần 750 lễ hội truyền thống, với 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền ẩm thực đặc sắc.
Những “mảnh ghép” này hứa hẹn tạo nên một bức tranh du lịch hấp dẫn, đa dạng về loại hình và độc đáo về trải nghiệm, từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đến du lịch tâm linh, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch mạo hiểm… Việc sáp nhập không đơn thuần chỉ là sự gộp về địa giới hành chính, mà còn là bước đột phá để “vẽ lại” bản đồ du lịch của tỉnh Ninh Bình mới trên cơ sở liên kết các điểm đến theo hướng chặt chẽ, bền vững hơn.
Đây cũng chính là cơ sở để hình thành những sản phẩm du lịch chuyên đề giàu trải nghiệm, giúp kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến vùng đất này, thay vì chủ yếu chỉ đi-về trong ngày như trước đây.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch Ninh Bình sau sáp nhập muốn trở thành “viên ngọc sáng” của Đồng bằng sông Hồng và cả nước, vẫn cần phải vượt qua nhiều “rào cản”. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng, một trong những thách thức là giao thông nội vùng và liên vùng dù đã có cải thiện nhưng những tuyến kết nối các khu, điểm du lịch còn rời rạc.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch nhìn chung còn thiếu và yếu, nhất là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề, khả năng ngoại ngữ; sản phẩm du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng, mang chiều sâu văn hóa địa phương. Do đó, để đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch văn hóa-sinh thái-tâm linh và tổ chức sự kiện quy mô hàng đầu Việt Nam, cần phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ.
Cần nghiên cứu, rà soát, tổng điều tra, đánh giá lại tài nguyên du lịch để quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển du lịch, bảo đảm tính kết nối để hình thành “tam giác” du lịch bổ trợ nhau. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông chiến lược kết nối các trung tâm du lịch Tràng An-Tam Chúc-Đền Trần-Phủ Dầy-Thịnh Long.
Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú cao cấp 4-5 sao, kết hợp khuyến khích phát triển các mô hình homestay, farmstay, glamping tại khu vực ven biển và nông thôn để tạo nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa của nhiều tệp khách hàng trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng cần phát triển các cơ sở đào tạo và liên kết đào tạo nhằm bổ sung nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; bảo đảm cảnh quan du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn để tạo dựng uy tín, hình ảnh điểm đến.
Sau khi sáp nhập thành một thực thể hành chính mới, đòi hỏi cấp bách đặt ra là cần định vị thương hiệu điểm đến. Theo ông Bùi Văn Mạnh, thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình đã phát triển mạnh, được khẳng định ở thị trường trong nước và quốc tế, nên cần tiếp tục được duy trì, kết hợp với thương hiệu, hình ảnh các điểm đến đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh Hà Nam, Nam Định trước đây, như Tam Chúc, Đền Trần, Phủ Dầy, biển Thịnh Long, Giao Thủy… để xây dựng một thương hiệu tổng hợp, đa sắc thái, giàu bản sắc, với đặc trưng là điểm đến du lịch bốn mùa với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) gợi ý, Ninh Bình có thể xác lập thương hiệu vùng là Kinh đô Phật giáo Việt Nam, Trung tâm du lịch văn hóa tâm linh hàng đầu châu Á để làm kim chỉ nam cho các hoạt động quy hoạch, đầu tư và quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tâm linh đẳng cấp, với hành trình xuyên vùng kết nối chùa Bái Đính-chùa Tam Chúc-Đền Trần-Phủ Dầy, tạo thành tour du lịch chuyên đề “Con đường tín ngưỡng Bắc Bộ”; xây dựng hành trình tâm linh gắn kết cố đô Hoa Lư với các cố đô khác trong cả nước như: Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế… để hình thành tour du lịch chuyên đề về các triều đại phong kiến Việt Nam; đồng thời kết nối với các trung tâm tâm linh lớn tại một số điểm đến châu Á như Ấn Độ, Tây Tạng, Thái Lan, Nhật Bản… để đưa Ninh Bình vào bản đồ du lịch tâm linh quốc tế.
Chủ tịch STDe cho rằng Ninh Bình cần có tư duy đột phá trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mới trong mối quan hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp văn hóa...
Trong bối cảnh du khách hiện đại ngày càng đòi hỏi nhu cầu trải nghiệm toàn diện, từ tham quan, mua sắm, ăn uống tới nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… thì sự cộng hưởng tài nguyên du lịch Ninh Bình sau sáp nhập với rừng, biển, núi, đồng bằng, di sản, hạ tầng chính là thế mạnh để tạo nên một tổ hợp điểm đến toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc VietSense Travel
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc VietSense Travel nhận định, trong bối cảnh du khách hiện đại ngày càng đòi hỏi nhu cầu trải nghiệm toàn diện, từ tham quan, mua sắm, ăn uống tới nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… thì sự cộng hưởng tài nguyên du lịch Ninh Bình sau sáp nhập với rừng, biển, núi, đồng bằng, di sản, hạ tầng chính là thế mạnh để tạo nên một tổ hợp điểm đến toàn diện.
Vấn đề là cần giải quyết bài toán quy hoạch sản phẩm du lịch, xây dựng được các luồng tuyến liên hoàn, để tài nguyên từng điểm đến không bị chồng chéo mà hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Trên cơ sở đó, chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số để đưa hình ảnh một Ninh Bình đẳng cấp, giàu trải nghiệm đến đông đảo du khách trong nước, quốc tế…