Phát huy giá trị di sản
Thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Theo kế hoạch này, Đà Nẵng đặt mục tiêu đón hơn 11,9 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2025, tăng 10% so với năm 2024.
Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt 4,8 triệu lượt, tăng hơn 17%; khách nội địa ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, tăng hơn 5%. Cụ thể, Đà Nẵng xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch, hướng đến phát triển bền vững, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác…
Sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng mới được mở rộng không gian du lịch với nhiều tiềm năng tài nguyên du lịch, sân bay, cảng biển… Thành phố hiện là một trong ba địa phương có hai sân bay quốc tế, cảng Tiên Sa được chuyển đổi thành cảng du lịch, tỷ lệ cơ sở lưu trú chuẩn 4-5 sao quốc tế đạt hơn 2,3%. Đây cũng là địa phương đầu tiên được thành lập Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính quốc tế.
Tại hội thảo mới đây về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng mới, PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu du lịch cho biết: Thành phố Đà Nẵng mới có không gian mở rộng gấp 10 lần, nhất là đường bờ biển tăng gấp ba lần, cùng nhiều tài nguyên du lịch mới như thêm hai di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, các cảnh quan biển, đảo, hồ và tài nguyên du lịch văn hóa với 67 di tích cấp quốc gia; tài nguyên du lịch sinh thái...
Ngoài ra, thành phố được tiếp tục kế thừa cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã ban hành cho Đà Nẵng (cũ). “Các cơ chế, chính sách này sẽ là căn cứ pháp lý, tạo cơ hội để ngành du lịch Đà Nẵng bứt phá, phát huy một cách trọn vẹn các giá trị văn hóa, di sản”, PGS, TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An, trong hình dung của du khách, lâu nay không có sự phân định giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Vì thế, câu chuyện hợp nhất mang lại thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, thị trường khách đa dạng hơn. Ngành sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển trọng tâm và tăng cường quảng bá điểm đến mới, định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch thế giới.
Đẩy mạnh kết nối điểm đến trong khu vực
Hiện nay, Đà Nẵng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, có chiều sâu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch mở rộng các hành lang liên kết vùng với thành phố Huế, tỉnh Quảng Trị và địa bàn Tây Nguyên, hình thành các tuyến du lịch liên vùng hấp dẫn, tạo ra lợi thế cạnh tranh mang tính hệ sinh thái và tăng khả năng thu hút khách quốc tế.
Trong sáu tháng đầu năm 2025, thị trường du lịch Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng vượt trội với việc khai trương, mở nhiều đường bay mới, đường bay thẳng từ nhiều thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng như các thị trường khách du lịch Ấn Độ, Trung Đông và CIS. Từ Đà Nẵng, dòng khách này sẽ đến các điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực như các di tích, danh lam thắng cảnh tại thành phố Huế, các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai…; sân bay quốc tế Đà Nẵng trở thành cửa ngõ để đón khách du lịch cho cả nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực.
Trong năm 2025, Đà Nẵng tổ chức hàng loạt sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Liên hoan phim châu Á lần thứ 3, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng, Khai trương mùa du lịch biển, Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam…; đồng thời tăng cường kết nối để mở rộng chuỗi sản phẩm liên vùng, góp phần đa dạng hóa trải nghiệm du khách thông qua các sự kiện nổi bật như Festival Hội An cảm xúc ngày hè, Festival Cổ Cò, Festival Mỳ Quảng, Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Trên cơ sở định hướng không gian phát triển, thành phố Đà Nẵng mới tập trung đầu tư vào sáu lĩnh vực mũi nhọn, hình thành sáu trụ cột tăng trưởng chiến lược, trong đó du lịch được đặt lên hàng đầu. Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, gắn với việc chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.