Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co ở Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co ở Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sắc mầu văn hóa dân tộc Co

Chỉ với khoảng 34 nghìn người cư trú chủ yếu ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi, song cộng đồng người Co có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc với kiến trúc nhà ở, truyện kể dân gian, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, tri thức dân gian.

Đây là những giá trị cốt lõi quý báu, góp phần làm cho bức tranh văn hóa của 54 dân tộc ở nước ta đa dạng và giàu hương sắc.

Tính đến thời điểm này, cộng đồng người Co ở Quảng Ngãi sở hữu bốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật cồng chiêng; nghệ thuật trang trí cây nêu; nghệ thuật Cà Đáo (múa) và Tết Ngã rạ (Sa ní).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong kho tàng văn hóa của người Co ở Quảng Ngãi, trước hết phải kể đến nghệ thuật trang trí cây nêu (đồ vật thờ cúng và trang trí trong ngày hội) được xem là tuyệt tác nghệ thuật chạm khắc và trang trí độc đáo, tinh hoa văn hóa và là niềm tự hào của cộng đồng người Co.

Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, ở xã Trà Bồng cho biết, người Co có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, vì thế trong đời sống của đồng bào có nhiều lễ hội phong phú gắn với tín ngưỡng đa thần. Trong đó, lễ hội ăn trâu là một trong những lễ hội mang đậm tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Co. Ở đó, hội tụ tri thức và phô bày bản sắc dân tộc Co một cách rõ ràng nhất thể hiện ở hai công trình điêu khắc tuyệt tác độc đáo là cây nêu và cây gubla. Điển hình, nêu phướn là một tổ hợp trang trí đặc sắc có chiều cao từ 13-15m, gồm ba phần: đế, thân và ngọn; khắp chiều cao cây nêu được trang trí với những dải hoa văn vẽ ôm quanh cây cột gỗ với ba mầu truyền thống đỏ, đen, trắng kết hợp với tạo hình mâm thần, gu thần, đơm cá, lá phướn và sử dụng xơ vỏ cây, cọng đót, nan tre; ngọn nêu có lá phướn và hình tượng chim chèo bẻo tượng trưng cho tinh thần thượng võ là linh vật được thờ cúng.

“Cây nêu không chỉ mang giá trị nghệ thuật điêu khắc, mà còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vì thế, đồng bào dân tộc Co coi cây nêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là cầu nối giữa đất và trời, là sự kết nối vô hình giữa con người với thần linh, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp của dân làng”, Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nghệ nhân người Co có phẩm chất nghệ sĩ, có một tâm hồn bay bổng lãng mạn; đỉnh điểm sáng tạo là nghệ thuật chạm khắc, trang trí cây nêu và gubla được hội tụ và tỏa sáng để kết tinh thành các tác phẩm chạm khắc, trang trí đặc sắc dâng lên các vị thần linh, góp phần tô điểm, làm đẹp và sống động không gian lễ hội của cộng đồng người Co; đây là tài sản vô giá mà không nhiều dân tộc có được, cần được các thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Không chỉ có tài năng sáng tạo nghệ thuật qua chế tác, trang trí đặc sắc, người Co còn là tộc người rất thích âm nhạc, múa hát, tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú, giàu bản sắc, được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với các điệu dân ca cà lu, xà ru, a giới, a lát, nghệ thuật tấu chiêng, di sản nghệ thuật Cà đáo (múa) của người Co ra đời trong quá trình hình thành, lao động và phát triển gắn liền với tư tưởng tín ngưỡng đa thần và nghề trồng lúa rẫy.

Già làng Hồ Văn Nam, ở xã Trà Bồng, người có uy tín, am hiểu về nghệ thuật trình diễn dân gian múa Cà đáo cho biết, tại mỗi địa bàn cư trú khác nhau, người Co phân thành hai dòng chính: Cà đáo Đường Nước và Cà đáo Đường Rừng. Về cơ bản, nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo Đường Nước và Cà đáo Đường Rừng đều giống nhau, chủ yếu tập trung ba động tác chính. Tuy nhiên, vùng Đường Rừng, điệu Cà đáo dồn dập, động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, nhịp chiêng mạnh mẽ, tiết tấu sôi nổi; vùng Đường Nước, động tác Cà đáo nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai, tập trung sự mềm dẻo, tính tạo hình của các động tác cơ thể.

“Điều quan trọng của nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo là múa nữ đông người, kết cấu múa đồng điệu cả đội hình, hình thể cơ thể thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ. Động tác múa từ tay, chân, đầu đều trùng khớp với tiết tấu, tốc độ, cường độ của nhịp trống và chiêng. Việc sử dụng nhạc cụ trống, chiêng cùng điệu Cà đáo tạo nên không khí rộn ràng của lễ hội”, già làng Hồ Văn Nam thổ lộ.

Trải qua nhiều thế kỷ cùng với sự bảo tồn các lễ hội đặc trưng, nghệ thuật trình diễn dân gian Cà đáo của dân tộc Co vẫn kế thừa và phát huy đến ngày nay. Bên cạnh đó, điệu Cà đáo đã tạo nên những giá trị nhất định trong đời sống cộng đồng, nhất là thế giới quan, tính nhân văn của con người đối với con người, của con người đối với thần linh, của con người đối với thiên nhiên. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, hiện tại dân tộc Co ở khu vực phía tây Quảng Ngãi có ba nghệ nhân nhân dân, 19 nghệ nhân ưu tú và gần 650 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết, am tường, gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đây là lực lượng chủ đạo trong phát huy, bảo tồn, gìn giữ và trao truyền các di sản văn hóa của dân tộc Co.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ngãi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt, lâu dài. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xem thêm