Nuôi cá nước lạnh ở bản Kin Chu Phìn 1.
Nuôi cá nước lạnh ở bản Kin Chu Phìn 1.

Lên Lào Cai xem Bát Xát thoát nghèo

Từ những hộ nuôi cá nước lạnh trên đỉnh Nậm Pung đến những ruộng đao riềng bạt ngàn ở xã Bản Xèo; từ các mô hình chăn nuôi cá thể, đến việc hình thành hợp tác xã và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất…; tất cả đều đang góp phần tạo nên những đổi thay mạnh mẽ ở huyện Bát Xát (Lào Cai).

Cán bộ thì phải xuống bản, lên nương

Con đường bê-tông uốn lượn từ trung tâm xã Nậm Pung dẫn lối vào thôn Kin Chu Phìn 1 là nơi người Dao và người Hà Nhì cùng sinh sống, tương hỗ nhau vươn lên trong gian khó. Ở độ cao trên 1.000 m, hàng trăm bể nuôi cá tầm, cá hồi lấp lánh giữa sương núi là thành quả của những người dám nghĩ, dám làm, dám học hỏi và kiên trì theo đuổi cái mới.

Đi tiên phong là hai thanh niên người Dao Tẩn Phù Quan và Lý Sinh Dùi (thôn Kin Chu Phìn 1). “Mô hình nuôi cá tôi học “lỏm” ở Sa Pa, rồi về bản tìm khe nước lạnh thử nghiệm. Năm đầu chưa được, năm sau lại học tiếp. Từ thành công ban đầu, tôi rủ thêm anh Dùi cùng vay vốn ngân hàng để mở rộng mô hình. Đến nay trại đã có 9 bể nuôi cá, mỗi năm trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng”, anh Tẩn Phù Quan hồ hởi kể.

Những kiến thức học được không giữ riêng cho mình! Chủ động tìm đến chị Tẩn Tà Mẩy (Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm đại biểu HĐND xã Nậm Pung), hai anh Quan và Dùi đã đề xuất xã quy hoạch vùng nuôi cá, đồng thời hướng dẫn bà con chung tay cùng làm. “Tôi giúp bà con làm hồ sơ vay vốn, mời cán bộ về tập huấn kỹ thuật. Đến nay, 97/100 hộ trong thôn đều nuôi cá, nhà nào cũng khấm khá hơn”, chị Mẩy chia sẻ.

Còn tại xã Bản Xèo, cây đao riềng một thời từng bị lãng quên nay lại trở thành cây làm giàu của người dân nơi đây. Theo chị Tẩn Tà Mẩy, trước đây trồng ngô chỉ thu được về 20 triệu đồng/năm nhưng trồng cây đao riềng thu được 60 triệu đồng/năm. Cây đao riềng đã thật sự làm thay đổi bộ mặt bản làng.

Có được kết quả đó là nhờ cả quá trình học tập, trao đổi giữa cán bộ và người dân, ai cũng học lẫn nhau để thích ứng và thay đổi. Chị Cồ Thị Khuyên, Phó Chủ tịch HĐND xã Bản Xèo cho biết: “Trước đây, số hộ nghèo của xã có tỷ lệ rất cao, trên 90%, nay đã giảm còn hơn 30%. Thu nhập bình quân đạt trên 31 triệu đồng/người/năm”.

Chị Phùng Thúy Vân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện Bát Xát khẳng định: “Cán bộ chúng tôi không ngồi ở phòng họp, mà xuống tận bản, tận nương cùng làm với bà con. Từ cây đao riềng đến tinh dầu sả, các sản phẩm của hợp tác xã... đều hình thành từ thực tiễn ấy”.

Trong căn nhà sàn ở cuối bản, Bí thư Chi bộ bản Xèo Lý Gì Go rót chén chè nóng rồi kể: “Ngày xưa chúng tôi đi học là để biết chữ, biết đếm tiền, ra chợ không bị thiệt. Bây giờ thì khác rồi, người trẻ học để làm giàu, học để chăn nuôi, trồng cây cho năng suất cao hơn. Họ học qua điện thoại, học trên mạng, học nhanh hơn, xa hơn. Cán bộ không chỉ nói mà làm mẫu cho dân tin, dân theo. Mình già rồi, nhìn mà mừng cái bụng”.

Học Bác Hồ để hành động và phục vụ

Phong trào học để vươn lên ở huyện Bát Xát hôm nay không chỉ nằm trong từng cá nhân, mà lan tỏa thành động lực phát triển. Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do người dân tộc thiểu số làm chủ đã hình thành và lan rộng. Như ở xã Trịnh Tường có mô hình nuôi ong dế của anh Vù A Các. Hay ở xã A Mú Sung có anh Lò Láo Tả xây dựng trang trại lợn đen bản địa; đồng bào Giáy ở xã Mường Vi nuôi ngựa sinh sản; thôn Kin Chu Phìn nhân rộng trồng lê Tai nung; phụ nữ Hà Nhì ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý) làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa.

Từ những thôn bản cheo leo đến sàn thương mại điện tử, từ ruộng ngô đến sản phẩm OCOP, người nông dân huyện Bát Xát đang từng bước khẳng định bản thân. Hành trình học để vươn lên đang hiện hữu trong từng đổi thay của người vùng cao. Không còn xa lạ với chuyển đổi số, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bát Xát đã tự tin livestream bán hàng, đưa đặc sản địa phương đi muôn nơi.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bát Xát đã giảm từ 24,13% năm 2023 xuống còn 17,94% năm 2024. Các xã như Nậm Pung, Bản Xèo, Y Tý... đang dần chuyển mình nhờ những hạt nhân như vậy. Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều nhấn mạnh, muốn xóa đói nghèo, chỉ có một con đường là học. Cán bộ học dân, học cái mới. Còn người dân học cách làm ăn, học để tự đứng trên đôi chân của chính mình.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm mô hình thoát nghèo ở Bát Xát, ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho rằng: “Chính sách muốn hiệu quả phải xuất phát từ thực tiễn. Chúng tôi học ở dân, lắng nghe dân để điều chỉnh từng điều khoản trong nghị quyết cho phù hợp hơn với thực tiễn. Học Bác Hồ chính là học để hành, học để phục vụ nhân dân”.

Xem thêm