Đây là những lợi thế không nhỏ để Huế đi theo hướng phát triển du lịch xanh.
Nắm bắt xu hướng mới
Theo Sở Du lịch TP Huế, thị trường khách du lịch của Huế trong những năm qua liên tục được mở rộng và đa dạng hóa. Đối với khách nội địa, lượng khách chiếm tỷ trọng cao chủ yếu đến từ các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Trong khi đó, thị trường quốc tế tập trung vào các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), cùng với nhóm khách đến từ châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Đây là nhóm khách có thời gian lưu trú dài, mức chi tiêu cao và có xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa - thiên nhiên - cộng đồng, ưu tiên các tiêu chí “xanh”, “sạch”, “ý nghĩa”.
Nắm bắt xu hướng này, Huế đã xác định phát triển du lịch xanh là một bước chuyển có tính chiến lược của địa phương. Đây được xem là “chìa khóa” để làm mới giá trị văn hóa, đưa Huế tiến lên mà không đánh mất đi bản sắc riêng. Tại Hội nghị Chính quyền Địa phương và Khu vực Đông Á diễn ra tại Huế, lãnh đạo UBND thành phố Huế cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng sâu rộng, các mô hình phát triển du lịch dựa trên khai thác tài nguyên đơn thuần đang dần lộ rõ giới hạn. Phát triển du lịch xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng, mà là lối đi tất yếu để du lịch tiếp tục phát triển mà không đánh đổi môi trường, văn hóa hay lợi ích cộng đồng”.
Một hệ sinh thái du lịch xanh, bền vững đang được địa phương xây dựng bài bản với sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách. Các mô hình du lịch cùng hướng đến những thông điệp xanh, bảo vệ môi trường thông qua các giải pháp cụ thể như tận dụng tài nguyên bản địa, giảm dần rác thải, khuyến khích sử dụng phương tiện sạch. Một số mô hình, tour tuyến du lịch xanh tại Huế đang được nhiều du khách lựa chọn có thể kể đến như: Đạp xe thăm làng cổ Phước Tích; Khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, Thủy Biều, khu vực cầu ngói Thanh Toàn; Khám phá các làng chài ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Trải nghiệm văn hóa bản địa tại các làng truyền thống của đồng bào A Lưới và Nam Đông; Trải nghiệm tuyến du lịch xanh tại Lăng Vua Gia Long bằng xe đạp, xe đạp điện, ô-tô điện.
Đại diện Sở Du lịch TP Huế cho hay, Huế đang tiên phong phát triển du lịch xanh với chiến dịch đạp xe cộng đồng mang thông điệp “Huế - Tiên phong phát triển du lịch di sản xanh và thành phố xe đạp”. Thành phố từng bước triển khai các giải pháp xanh như khuyến khích sử dụng xe đạp công cộng, xe điện, mở rộng phố đi bộ, du lịch sông Hương bằng thuyền sinh thái, số hóa hoạt động tham quan qua vé điện tử, AR/VR.
Cùng nhau hành động
Trong chiến lược phát triển du lịch xanh bền vững, đã có hàng chục đơn vị bao gồm khách sạn, công ty lữ hành, nhà hàng, điểm du lịch cam kết và triển khai thực hành giảm sản phẩm nhựa dùng trong một lần. Đặc biệt, với sự đồng hành của địa phương, dự án đã xây dựng thành công 4 điểm du lịch giảm nhựa điển hình gắn với các tour du lịch xanh là: Điểm du lịch Thủy Biều, điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc và điểm du lịch Đầm Chuồn. Qua việc cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa trong hoạt động, các điểm du lịch này đã và đang được du khách đón nhận và phản hồi tích cực.
Ưu tiên Huế là điểm đến trải nghiệm du lịch xanh, chị Trần Ngọc Hà (Hà Nội) cho hay, đã có 3 lần đến Huế trong 4 năm gần đây. Chuyến du lịch kéo dài 4 ngày 3 đêm vừa qua, chị Hà lựa chọn lưu trú tại một homestay sinh thái tại Thủy Biều, điểm đến du lịch giảm thiểu rác thải nhựa đầu tiên tại TP Huế. Tại đây, mọi vật dụng đều hướng đến giảm thiểu rác thải từ ống hút bằng tre hoặc giấy, túi vải cho đến các đồ dùng vệ sinh được làm bằng các nguyên liệu thiên nhiên. Ngoài ra, homestay còn cấp phát bình nước thủy tinh cho du khách thay cho chai nhựa, cung cấp điểm tiếp nước miễn phí trong vườn, khuyến khích sử dụng xe đạp hoặc xe điện khi di chuyển tham quan. Chính những việc làm tuy nhỏ của homestay đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với chị và nhiều du khách khác.
“Tôi đánh giá cao việc Huế không chỉ xây dựng được cảnh quan xanh, sạch, đẹp mà còn xây dựng được một cộng đồng cùng nhau hành động. Cách Huế đang làm du lịch xanh rất thực chất và từ tốn. Ở đây, du lịch xanh không còn là sự lựa chọn mà đang dần trở thành lối sống”, chị Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế cho biết, xác định du lịch xanh bền vững là chiến lược lâu dài, thời gian tới, Huế sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch xanh có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về văn hóa, di sản và tài nguyên hiện có. Ngoài ra, sẽ tăng cường liên kết vùng, xúc tiến đầu tư cũng như ứng dụng công nghệ số trong quản lý và xúc tiến du lịch xanh.
Theo Sở Du lịch TP Huế, 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch đến Huế đã gần bằng năm 2024 với hơn 3,36 triệu lượt. Dự báo cả năm 2025, ngành du lịch Huế có thể đón khoảng 6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 13.200 tỷ đồng, mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.