Một đoạn tuyến dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Một đoạn tuyến dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Đèo Cả được giao nghiên cứu đề xuất dự án ĐT.827E theo phương thức PPP

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện nhóm nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư đoạn còn lại của tuyến đường tỉnh ĐT.827E theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Chủ trương này được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính Tây Ninh (trước là Sở Tài chính Long An) tại văn bản số 4446/STC-QLĐTC ngày 27/6/2025 và văn bản đề xuất số 756/2025/DGC ngày 17/6/2025 của Tập đoàn Đèo Cả.

Dự án ĐT.827E (định hướng là Quốc lộ 50 B) là tuyến giao thông quan trọng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua Long An đến Tiền Giang dài khoảng 55km, có vai trò tăng cường kết nối giao thông liên vùng, làm động lực để phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực dự án.

Dự án đã được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, tuyến ĐT.827E đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh (Long An cũ) dài khoảng 35,6km, địa phương đang triển khai dự án xây dựng 3 cầu trên ĐT827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây) và đường dẫn. Việc sớm triển khai đầu tư đồng bộ đoạn còn lại khoảng 19,5km là yếu tố quan trọng bảo đảm phát huy hiệu quả về kinh tế-xã hội cho toàn tuyến.

Theo nội dung được phê duyệt, dự án nghiên cứu dài khoảng 19,5km, chia làm hai đoạn: Đoạn từ Km2+750 (giao với Quốc lộ 50 tại ngã ba Tân Kim) đến Km15+150 (giao với ĐT.826), dài 12,4km và đoạn từ Km28+500 (giao với ĐT.827B) đến Km35+600 (giáp ranh tỉnh Đồng Tháp), dài 7,1km.

Tổng mức đầu tư dự khoảng 7.600 tỷ đồng. Dự án sẽ được nghiên cứu xây dựng theo quy mô giai đoạn 1, đồng bộ với dự án xây dựng đường dẫn vào 3 cây cầu thuộc tuyến ĐT.827E, đồng thời bảo đảm phù hợp với các quy hoạch hiện hành.

gen-h-z6812550574188-ff3c73905bfcfccd23b994755acf7b8b.jpg
Toàn bộ kinh phí nghiên cứu, khảo sát,... do Tập đoàn Đèo Cả tự chi trả.

Toàn bộ kinh phí thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án sẽ do Tập đoàn Đèo Cả tự chi trả. Doanh nghiệp này cũng cam kết chịu mọi rủi ro nếu hồ sơ đề xuất không được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Thời gian hoàn thành lập đề xuất được xác định tối đa 6 tháng kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành văn bản thống nhất chủ trương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm đầu mối, phối hợp cùng các sở ngành như Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường,… cung cấp thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu, lập đề xuất dự án.

Song song với việc được giao nghiên cứu đoạn còn lại của tuyến ĐT.827E, liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu cũng đang là nhà đầu tư đề xuất dự án mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận theo hình thức đối tác công-tư (PPP), theo Quyết định 176 do Bộ trưởng Xây dựng ký ngày 15/2/2025 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Dự án này có tổng chiều dài khoảng 96km, tổng mức đầu tư lên tới 39.800 tỷ đồng theo quyết định phê duyệt chủ trương. Liên danh nhà đầu tư đề xuất vừa tổ chức thi công vừa bảo đảm lưu thông thông suốt trên tuyến.

Trao đổi ý kiến trong buổi làm việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chủ trì về dự án này mới đây, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

Còn một công đoạn duy nhất là thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án đối với đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 với nhà đầu tư giai đoạn này, dựa trên quy định tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP.

Trước đó Đèo Cả cũng đã đảm nhận vai trò điều hành “giải cứu” dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vốn đình trệ hơn 10 năm, hoàn thành chỉ 3 năm sau khi tái khởi động.

Sự tham gia tích cực của liên danh Đèo Cả trong dự án mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch phía Nam tiếp tục khẳng định năng lực, uy tín và kinh nghiệm của doanh nghiệp này trong việc đầu tư, triển khai các công trình hạ tầng quy mô lớn, góp phần phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn còn thiếu đồng bộ.

Xem thêm