Việc gìn giữ, phát triển ngành nghề, làng nghề tại các xã, phường ven sông, ven biển của tỉnh còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương. Hiện nay, các địa phương này có hơn 12.000 cơ sở ngành nghề, 13 làng nghề, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động nông thôn.
Trước đây, làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Nhị Long được Ủy ban nhân tỉnh Trà Vinh (trước đây) công nhận tại Quyết định số 1813/QĐ-UBND ngày 28/11/2007. Sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Nhị Long phong phú, đa dạng, gồm: Thảm, chiếu lác, tơ xơ dừa, với nguồn nguyên liệu dồi dào từ cây lác, cây dừa, lục bình. Đáng chú ý, sản phẩm thảm xơ dừa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Út Mừng được tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao.
Hằng năm, các hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn xã Nhị Long sản xuất hơn 1,5 triệu sản phẩm các loại, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động tại địa phương, với thu nhập hằng tháng từ 6-8 triệu đồng/người. Năm 2024, Hợp tác xã dệt chiếu thảm Quyết Tâm, xã Ðức Mỹ gia công hơn 30.000 sản phẩm chiếu trắng, chiếu cói xanh, lõi lác, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động nông thôn. Nhằm tăng năng suất lao động, bà Nguyễn Thị Minh Trang, chủ cơ sở dệt chiếu ấp Ðức Mỹ, xã Nhị Long đầu tư hơn 200 triệu đồng mua 10 máy dệt chiếu bán tự động.
Bà Trang chia sẻ: “Dệt chiếu bằng máy dệt bán tự động hiệu quả sẽ cao hơn gấp 10 lần so với dệt thủ công. Vì vậy, cơ sở dệt chiếu có doanh thu, lợi nhuận tăng cao, lao động có thu nhập tăng gấp hai lần so với trước đây”.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Út Mừng, Công ty trách nhiệm hữu hạn dừa Tấn Phát của làng tiểu thủ công nghiệp xã Nhị Long đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với các sản phẩm thảm xơ dừa, dây thừng, đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng/năm. Với chính sách khuyến khích đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng và năng suất sản phẩm làng nghề của tỉnh Vĩnh Long được nâng cao. Thí dụ, làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Nhị Long sôi động với các ngành nghề tơ xơ dừa, sản xuất đất sạch, thảm xơ dừa. Một số cơ sở sản xuất của làng nghề đã sản xuất phân bón hữu cơ với nguồn nguyên liệu chính gồm mụn dừa, men vi sinh, hóa chất giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.
Theo bà Diệp Thị Trang, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan đát ấp Giồng Ðình, xã Ðại An, đan đát tre, trúc là nghề truyền thống được đồng bào Khmer nơi đây gìn giữ gần 100 năm qua. Trước đây, làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Ðại An chủ yếu sản xuất các mặt hàng như thúng tre, rổ tre, bàn tre, ghế tre, xà ngôn, thu nhập chưa ổn định. Trải qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp truyền nghề cho 70 thành viên Tổ hợp tác đan đát ấp Giồng Ðình. Từ đó, các thành viên thử nghiệm, tạo ra những sản phẩm đan đát có kích cỡ nhỏ, tinh xảo dùng để trang trí nội thất, làm quà lưu niệm, phục vụ du lịch, được thị trường đón nhận.
Lâu nay, các sản phẩm bàn tre, ghế tre, giường tre, thang tre của đồng bào Khmer ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, phục vụ đời sống cư dân nông thôn được bán tại khắp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Men theo tuyến lộ nhựa ấp Trà Tro B, tiếng động cơ, tiếng đục, cưa, cắt, gọt tre cứ âm vang. Hàng chục lao động già, trẻ người dân tộc Khmer đang miệt mài, chăm chỉ, cẩn trọng với từng thao tác lắp ghép các bộ salon tre phục vụ thị trường cao cấp.
Đại diện hộ kinh doanh salon tre Thạch Trì Cảnh chia sẻ: Ngành công thương đã hỗ trợ gia đình máy khoan, đục tre, nhờ đó đã rút ngắn một phần ba thời gian để hoàn thành một bộ salon tre. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất của làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang đang thay thế dần các mặt hàng truyền thống bằng các sản phẩm salon tre, tủ, kệ sách, kệ trưng bày sản phẩm nông sản với giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Hằng năm, làng nghề cung ứng ra thị trường hơn 100.000 sản phẩm, doanh thu hàng tỷ đồng.
Với việc triển khai chính sách đào tạo nghề, gắn quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghề đan đát, đóng giường tre của đồng bào Khmer xã Ðại An, xã Hàm Giang đã được vực dậy và phát triển đúng hướng. Bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang; bộ salon tre của hộ kinh doanh Trì Cảnh được Bộ Công thương vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tiến sĩ Lê Văn Ðông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết: Để có cơ sở quy hoạch, bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo sát thực tế tại 10 làng nghề tại các xã, phường ven biển trong tỉnh. Kết quả cho thấy, điều kiện kinh tế-xã hội ở các làng nghề còn nhiều khó khăn nhất là về giao thông, điện; lao động trình độ phổ thông, hoặc theo hình thức truyền nghề, thiếu sáng tạo, năng suất thấp... Qua đây, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đột phá cho phát triển làng nghề trong thời gian tới; trong đó, tăng cường mời gọi đầu tư, cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi tại các làng nghề, tăng cường xúc tiến thương mại. Tỉnh xác định, phát triển hiệu quả, bền vững làng nghề sẽ góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.