Thành phố Cần Thơ mới có diện tích hơn 6.300 km2, số dân gần 4,2 triệu người, tăng gấp hơn ba lần so với trước, với đa dạng nguồn tài nguyên, vùng sinh thái, dân cư… để phát triển du lịch.
Thời gian qua, các điểm du lịch của Cần Thơ như chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh, làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn, các điểm du lịch sinh thái ven kênh xáng Xà No, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, biển và hệ sinh thái Cù Lao Dung… thu hút đông du khách nhờ các doanh nghiệp đầu tư khai thác các tour, tuyến tham quan với các sản phẩm đặc thù gắn với hệ sinh thái mỗi nơi.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống giao thông khá đồng bộ, nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Hiệp hội du lịch thành phố cùng các doanh nghiệp đã công bố chương trình kích cầu, với hơn 150 gói sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm đến, dịch vụ vui chơi giải trí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thu hút du khách. Nhờ vậy, lượng du khách đến Cần Thơ tăng hơn so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2025, thành phố Cần Thơ thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách (trong đó có 2,7 triệu lượt lưu trú), doanh thu hơn 5.400 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Cần Thơ Lê Đình Minh Thy cho biết: Khách du lịch đến Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ khá đông và là thị trường trọng điểm của đơn vị. Tuy lượng khách đông nhưng mức chi tiêu của du khách vẫn còn thấp vì thiếu những dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn để du khách tăng chi tiêu. Phần lớn du khách đến Cần Thơ và các tỉnh trong vùng chỉ lưu trú từ một đến hai ngày do thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Chị Trần Thị Hòa, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: "Lần đầu tôi và gia đình tham quan chợ nổi Cái Răng, các khu du lịch sinh thái, vườn trái cây để lại ấn tượng khá tốt. Tuy nhiên, Cần Thơ thiếu những điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, chương trình nghệ thuật hấp dẫn, quy mô lớn phục vụ du khách ban đêm cho nên chuyến du lịch hè của gia đình rút ngắn hơn dự kiến ban đầu".
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho rằng: Cần Thơ và vùng Tây Nam Bộ có hệ sinh thái, văn hóa, lối sống cư dân… có điểm tương đồng là gắn với sông nước, ruộng vườn, vì thế các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương gần giống nhau. Do đó các địa phương chỉ tập trung khai thác tài nguyên du lịch sẵn có mà thiếu sự đầu tư bài bản để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Du lịch khai thác văn hóa đặc trưng của các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm cũng chưa thật sự hấp dẫn, thiếu chiều sâu và sự kết nối. Mặc dù các doanh nghiệp lữ hành cũng cố gắng khai thác các tour tuyến mới, liên kết tạo sự khác biệt để thu hút du khách, tuy nhiên, Cần Thơ và vùng Tây Nam Bộ chưa có điểm du lịch được đầu tư lớn, mang tầm quốc gia để thu hút và giữ chân du khách.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Trương Văn Vinh kiến nghị: Để du lịch Cần Thơ hấp dẫn du khách, các cấp, ngành thành phố sớm quy hoạch lại không gian phát triển du lịch mới trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi xã, phường; có chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh (đất đai, thuế, nhân lực…) để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cần Thơ hiện có biển và cảng biển Trần Đề có tiềm năng phát triển du lịch biển, cũng cần được quan tâm đầu tư để thu hút khách du lịch đường biển quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thị Ngọc Điệp cho biết: Cần Thơ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch trong không gian mới để phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch, tập trung vào các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch hội nghị, hội thảo; chú trọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Cần Thơ và các tỉnh trong vùng cùng các vùng trên cả nước; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, khu vui chơi, giải trí phức hợp quy mô lớn… góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch thu hút du khách.