Đơn vị thi công công trình Trung tâm Hội nghị APEC 2027.
Đơn vị thi công công trình Trung tâm Hội nghị APEC 2027.

Tăng tốc các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027

Tuần lễ cấp cao APEC 2027 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giúp đặc khu Phú Quốc vươn mình trong thời gian tới. Hiện tại, tỉnh An Giang nỗ lực tăng tốc cơ sở hạ tầng, bảo đảm tiến độ đề ra nhằm phục vụ tốt sự kiện quan trọng này.

Ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 948/ QĐ-TTg giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án phục vụ tổ chức sự kiện Hội nghị APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, với 21 dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 137.138 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh An Giang đã hoàn thành danh mục kêu gọi đầu tư 12 dự án; hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức công bố và trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho ba dự án trọng điểm với tổng vốn là 91.548 tỷ đồng.

Tập đoàn Sun Group và các đơn vị trực thuộc được lựa chọn thực hiện ba dự án gồm: Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Dự án Trung tâm Hội nghị APEC và Khu đô thị hỗn hợp bãi Đất Đỏ; Dự án Khu đô thị hỗn hợp du lịch sinh thái Núi Ông Quán.

Theo đó, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đầu tư theo hình thức kinh doanh trực tiếp với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, thực hiện trong hai giai đoạn 2025- 2027 và 2027-2030. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được nâng cấp toàn diện, hướng đến trở thành một trong những sân bay hiện đại, thông minh bậc nhất thế giới. Dự án Trung tâm Hội nghị APEC và Khu đô thị hỗn hợp bãi Đất Đỏ có tổng mức đầu tư 64.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, từ quý III/2025 đến quý II/2027, dự án được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công viên, bãi tắm và quảng trường, tạo cảnh quan đồng bộ với Khu tổ hợp đa chức năng APEC. Cùng với đó còn có các khách sạn cao cấp, được vận hành bởi các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Riêng dự án Khu đô thị hỗn hợp du lịch sinh thái Núi Ông Quán với tổng mức đầu tư là 5.550 tỷ đồng nhằm kiến tạo điểm đến sinh thái phục vụ APEC 2027. Hiện tại nhà thầu đề xuất Ủy ban nhân dân đặc khu Phú Quốc tổ chức họp dân, tuyên truyền, thông báo vận động triển khai đo đạc, thu thập thông tin đất đai. Trước mắt, đơn vị sẽ cải tạo các căn shop house để bố trí khu tạm cư, tái định cư cho người dân vào ở tạm, bảo đảm đời sống người dân có đất nằm trong quy hoạch.

Để gấp rút thực hiện các dự án, công trình phục vụ Hội nghị APEC 2027, tỉnh An Giang đã thành lập 15 tổ đo đạc, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và đã tổ chức trích lục hồ sơ địa chính của từng dự án để chuẩn bị ban hành thông báo thu hồi đất. Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai điều chỉnh Quy hoạch tỉnh và điều chỉnh Quy hoạch chung đặc khu Phú Quốc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 7 để triển khai các công trình.

Đến Phú Quốc vào những ngày này, không khó để nhận thấy “đại công trường” trước mắt. Đáng kể và sôi động nhất là hàng trăm công nhân đang thực hiện san lấp, khoan, đóng cọc thí nghiệm xây dựng nền móng Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC. Đây là địa điểm chính tổ chức sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2027, với diện tích 28 ha, mức đầu tư 21.860 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Trung tâm hội nghị 3.500 chỗ, trung tâm báo chí 3.000 chỗ, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, quảng trường, bảo tàng, triển lãm, cung văn hóa, cung thiếu nhi… Theo đơn vị nhà thầu, công tác chuẩn bị mặt bằng đã hoàn thành 94%, thi công cọc thí nghiệm đạt 100%, sẵn sàng cho nghi thức khởi công công trình.

Đối với dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, ông Bùi Thành Trung, Chủ tịch Sun Group vùng miền nam cho biết: Địa phương đã bàn giao 166 ha để đơn vị thực hiện. Hiện tại đơn vị thi công làm nhà ga T2 với tiến độ cọc đạt 10%; nhà ga VIP có tiến độ cọc 30%, san nền đạt 60%; xây dựng hàng rào, cửa ngõ, đường công vụ đạt 45%; phát hoang, dọn dẹp mặt bằng đạt khoảng 35%.

Bên cạnh ba dự án trọng điểm, trên địa bàn Phú Quốc chuẩn bị khởi công hàng loạt công trình khác như: Hồ nước Dương Đông 2, hồ nước Cửa Cạn, công trình ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật khu vực An Thới và Dương Đông, Nhà máy điện rác Bãi Bổn, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt An Thới, khu xử lý rác Bãi Bổn... Cùng với đó là dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh quản lý toàn diện đặc khu Phú Quốc.

Theo đại diện lãnh đạo đặc khu Phú Quốc, để có mặt bằng sạch gấp rút xây dựng các công trình, dự án, địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân bị tác động. Toàn địa bàn có nhu cầu khoảng 13.479 nền cho 77 công trình, dự án trên địa bàn; trong đó 21 dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 cần khoảng 3.664 nền. Hiện nay, tỉnh An Giang thực hiện đầu tư bốn khu tái định cư tại An Thới, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Suối Lớn, với tổng vốn hơn 5.780 tỷ đồng, tạo quỹ đất khoảng 9.400 nền để phục vụ APEC 2027 và giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác.

Mặc dù đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc triển khai các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: Hiện tại, chỉ có 3 trong tổng số 21 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, còn lại 18 dự án vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 sớm hơn tiến độ quy định tối thiểu từ 3-6 tháng.

Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh An Giang đã ban hành lệnh khẩn cấp cho 9/10 danh mục dự án đầu tư công và chuẩn bị công tác lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Văn Mừng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát và hoàn thành toàn bộ quy hoạch phân khu trên đảo Phú Quốc trong tháng 7 để bảo đảm minh bạch ngay từ đầu, tránh vướng mắc pháp lý, đặt mục tiêu khởi công đồng loạt các dự án công trình trong tháng 8.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng lịch trình chi tiết về tiến độ cho từng dự án. Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý tiến độ xây dựng các công trình. Riêng Sở Tài chính chủ trì phối hợp kiện toàn Ban chỉ đạo, yêu cầu mỗi sở, ngành cử một phó giám đốc tham gia xuyên suốt dự án được giao, dành 90% công việc cho nhiệm vụ này để bảo đảm trách nhiệm rõ ràng.

Đáng chú ý, người đứng đầu chính quyền tỉnh An Giang yêu cầu sở, ngành và đặc khu Phú Quốc tuân thủ tối đa quy định pháp luật, nhất là trong các thủ tục đầu tư, ban hành lệnh khẩn cấp, lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu. “Việc lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu phải có năng lực cao, chủ động về tài chính, nhân lực, thiết bị, vật liệu, tránh chọn những đơn vị yếu kém. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải bám sát tiến độ của nhà thầu, yêu cầu báo cáo thường xuyên về tiến độ giải ngân, thi công, cung cấp vật liệu và các vấn đề có liên quan”, đồng chí Hồ Văn Mừng quyết liệt.

Xem thêm