Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Bảo tồn đa dạng sinh học Lung Ngọc Hoàng

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, thành phố Cần Thơ có diện tích khoảng 2.800 ha, là nơi bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật; trong đó, một số động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Với hệ thống lung trũng phong phú, đa dạng, lớp phù sa màu mỡ, những cánh rừng xanh bạt ngàn, Lung Ngọc Hoàng mang đậm nét hoang sơ, gây ấn tượng cho những ai đã từng đặt chân đến nơi này.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) phê duyệt phương án sử dụng đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; sau khi bàn giao diện tích 38,5 ha cho địa phương quản lý, diện tích còn lại khu đang quản lý là 2.762 ha (gồm ba phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 1.001 ha; phân khu phục hồi sinh thái 929 ha; phân khu dịch vụ hành chính 832 ha).

Lung Ngọc Hoàng có các khu vực sinh thái rõ rệt: Khu bảo vệ nghiêm ngặt là vùng lõi, cảnh quan còn hoang sơ, giàu đa dạng sinh học, nơi bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật hoang dã đặc hữu theo diễn thế tự nhiên, hạn chế tối đa sự tác động của con người như: Lung Trời, Lung Ba Đìa, Lung Sen, Lung Trăn, Lung Cỏ Chỉ… Đây là địa điểm sinh sống, làm tổ của các loài chim hoang dã, động vật rừng, thủy sinh, thủy sản bản địa; trong đó, có các loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám... và các loài thú như dơi chó, chồn mực, cáo mèo… cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun…

Khu phục hồi sinh thái dành cho việc thực nghiệm, phục hồi hệ sinh thái đầm lầy với các loài cây gáo, trâm, còng, ô môi, đủng đỉnh…; đặc biệt, còn tồn tại 0,4 ha rừng tràm 40 năm tuổi với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ghi nhận dấu vết hoạt động của nhiều cá thể trăn, nưa quý hiếm và không gian thú vị với hàng trăm tổ ong mật đóng kèo rải rác trong rừng tràm.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khu bảo tồn thường xuyên tổ chức điều tra, quan trắc, giám sát sự biến động của một số loài động thực vật nhằm củng cố, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác lưu trữ, báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học tại khu bảo tồn, cũng như khảo sát diễn biến mực nước trên rừng. Bên cạnh đó, giám sát các loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại khu bảo tồn, quản lý tính đa dạng của các loài thực vật có công dụng làm thuốc; khảo sát, xây dựng danh lục và tiêu bản một số loài bướm và côn trùng; giám sát sự biến động của các loài chim tại khu bảo tồn.

Ông Sơn nhấn mạnh: "Khu đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu về công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại khu bảo tồn; thả thủy sản, động vật hoang dã bản địa, nhất là các loài quý hiếm, vào rừng nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của hệ sinh thái đa dạng trước tác động tiêu cực của con người".

Ông Trần Bé Em, Trưởng phòng Khoa học và bảo tồn đất ngập nước, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: Thời gian qua, phòng đã phối hợp triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó, nổi bật là đề tài "Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điều tra hiện trạng động, thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng". Qua đó, đã điều tra bổ sung, củng cố cơ sở dữ liệu của đề tài, bổ sung loài mới phát hiện vào danh lục cũng như đề nghị loại khỏi danh lục những loài không phù hợp.

Từ năm 2015 đến nay, đã khảo sát, ghi nhận thêm 981 loài thuộc 26 chi, 19 họ của ngành thực vật, 126 loài chim, 85 loài cá, bổ sung 11 loài vào danh lục cá; ghi nhận một số loài chim nước có số lượng cá thể khá lớn sinh trưởng tại các khu vực đất ngập nước; bổ sung 5 loài thực vật mới là cây thủy quỳnh thuộc họ nê thảo, cúc xuyến thuộc họ cúc bạch hoa xà, thóc lép thuộc họ đậu, cù đèn lông thuộc họ thầu dầu vào danh lục thực vật của Lung Ngọc Hoàng.

Có thể thấy, thông qua công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin cần thiết về đa dạng sinh học; đặc biệt là nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng tràm nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng các giải pháp bảo tồn bền vững đa dạng sinh học tại Lung Ngọc Hoàng trong thời gian tới.

Xem thêm