Đây là điều kiện lý tưởng để bệnh đạo ôn xuất hiện và gây hại. Để bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, ngành nông nghiệp của tỉnh, các địa phương đang tập trung chỉ đạo nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời.
Dọc theo tuyến đường kênh Kháng Chiến của xã Thạnh Phú (tỉnh Đồng Tháp), nhiều diện tích lúa hè thu 2025 của nông dân bị nhiễm bệnh đạo ôn, cháy lá từng cụm. Mặc dù, nông dân đã nhiều lần phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nhưng quá trình hồi phục cây lúa rất chậm. Gia đình ông Lê Văn Lâm, ngụ xã Thạnh Phú trồng 0,6 ha, với giống lúa OM18. Đến nay, trà lúa được hơn một tháng tuổi. Hiện, diện tích lúa của ông đã bị nhiễm bệnh đạo ôn gần 30%. Phun xong đợt thuốc trừ bệnh lần thứ ba, ông Lâm cho biết: “Hơn nửa tháng qua, bệnh đạo ôn đã hoành hành trên nhiều diện tích lúa hè thu, đặc biệt là giống OM18. Bệnh này xuất hiện hằng năm và vào thời điểm đầu mùa mưa. Biết vậy, chúng tôi đã nhiều lần phòng ngừa nhưng bệnh vẫn xuất hiện và gây hại nặng”, ông Lâm chia sẻ.
Tại cánh đồng lúa ở xã Mỹ Thành, nhiều diện tích lúa cũng bị nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó, một số diện tích bị nhiễm bệnh nặng. Ông Nguyễn Văn Đực trồng 0,4 ha lúa được hơn một tháng tuổi, với giống OM18. Mặc dù, kinh nghiệm trồng lúa trên 30 năm nhưng diện tích lúa của gia đình ông bị bệnh đạo ôn khá nhiều. Ông Đực cho biết: “Giống lúa OM18 bị nhiễm bệnh đạo ôn là chủ yếu, các giống khác thì ít hơn. Bệnh đạo ôn diễn ra trong cả quá trình sinh trưởng của cây lúa, bất cứ giai đoạn nào, bệnh này cũng phát sinh và gây hại, nhất là đạo ôn cổ bông gây thiệt hại rất nặng”.
Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện rải rác trên diện tích lúa hè thu ở nhiều địa phương trên địa bàn các xã Mỹ Thành, Thạnh Phú, Hậu Mỹ… Giống lúa bị nhiễm nặng chủ yếu là OM18. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành Nguyễn Văn Trèo cho biết: “Vụ hè thu 2025, toàn xã gieo sạ trên 1.660 ha lúa, cơ cấu giống: OM5451 là 945 ha, giống OM18 khoảng 724 ha. Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh (khoảng 20-35 ngày tuổi). Qua kiểm tra đồng ruộng, 105 ha lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn, tỷ lệ cháy khoảng 5-10%. Thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay là điều kiện để bệnh tiếp tục xuất hiện và có thể lây lan nhanh. Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn của xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác điều tra, khoanh vùng trên đồng ruộng để chủ động hướng dẫn bà con triển khai kịp thời các giải pháp phòng trừ, tránh lây lan trên diện rộng và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa”.
Hiện nay, các trà lúa hè thu 2025 đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Đây được xem là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh đạo ôn lá. Vì vậy, bà con nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn lá để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh phát sinh ra diện rộng, đặc biệt là giống lúa OM18. Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Thị Kim Phương cho biết: “Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống gần 225.000 ha; trong đó, tỉnh Tiền Giang (cũ) xuống giống khoảng 40.000 ha (diện tích đẻ nhánh khoảng 28.000 ha, làm đòng 11.500 ha, trổ 140 ha). Mặc dù, địa phương chưa thống kê đầy đủ diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhưng qua khảo sát thực tế, bệnh đạo ôn đã gây hại rải rác trên hầu hết lúa hè thu ở tỉnh Tiền Giang (cũ)”.
Để bảo đảm sản xuất trồng trọt được liên tục, chặt chẽ và hiệu quả trong giai đoạn sau sáp nhập, vận hành chính quyền hai cấp, mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Chí Thiện đã ký công văn gửi đến các địa phương trong tỉnh yêu cầu phân công, bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất cây trồng, sinh vật gây hại cây trồng, không để gián đoạn công tác theo dõi sản xuất, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng; trong đó, lưu ý đối với rầy nâu, rầy phấn trắng, sâu cuốn lá trên lúa.
Đặc biệt trong điều kiện thời tiết như hiện nay, ban ngày nắng nóng và mưa vào chiều tối là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh đạo ôn và cháy bìa lá trên cây lúa nên cần khuyến cáo bà con thăm đồng thường xuyên, nhất là các ruộng sạ dày, bón dư thừa phân đạm để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời. Khi thấy bệnh xuất hiện trên ruộng lúa phải phun hoạt chất thuốc đặc trị nấm gây bệnh đạo ôn. Ngoài ra, nông dân cần quản lý nước trong ruộng hợp lý, không phun phân bón lá, hạn chế bón thêm phân đạm và khi phun thuốc cần bảo đảm nguyên tắc “4 đúng”.