Cầu đường bê-tông ở vùng đất cù lao đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cầu đường bê-tông ở vùng đất cù lao đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đổi thay ở vùng cù lao Mỹ Hòa Hưng

Tháng 7, chúng tôi đến cù lao xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang ghi nhận sức sống mới trên vùng đất quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cù lao Mỹ Hòa Hưng được bao bọc bởi dòng sông Hậu, gồm chín ấp, 158 tổ tự quản, 5.590 hộ dân với 21.440 nhân khẩu, có diện tích tự nhiên 2.128 ha. Từ khi được công nhận xã nông thôn mới, kinh tế-xã hội của xã luôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn hoàn chỉnh; trường học, trạm y tế, chợ được đầu xây dựng, cải tạo nâng cấp đáp ứng các nhu cầu cho hoạt động cộng đồng.

Đổi mới vùng đất cù lao

Do vị trí đặc thù cho nên khi sáp nhập các xã, phường tỉnh An Giang, cù lao xã Mỹ Hòa Hưng vẫn giữ nguyên. Bị cách trở giao thông, qua lại đất liền phải đi phà, đò, thế nhưng nhịp sống vùng đất cồn không có gì khác biệt so với đất liền. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ sự đồng thuận, đoàn kết một lòng của hệ thống chính trị cùng nhân dân, xã Mỹ Hòa Hưng đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Xã đã duy trì và nâng chất đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu theo quy định.

Từ đà thuận lợi đó, Mỹ Hòa Hưng quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực tổ chức sản xuất. Ngày 16/5/2025, xã Mỹ Hòa Hưng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực sản xuất năm 2024, đây là niềm vui và niềm tự hào của Đảng bộ và người dân cù lao.

Len lỏi qua các con đường liên ấp đã được nhựa hóa, bê-tông 100%, nơi nào bị chia cắt bởi kênh, mương thì nơi đó có cầu bê-tông mọc lên, chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân ấp Mỹ An 2 là người có uy tín ở địa phương về hiến đất làm nghĩa trang, xây nhà từ thiện.

Ông Hoàng tâm tình: Từ ngày lên nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng từ hạng mục đường giao thông đến hệ thống mương nội đồng. Từ đó, cầu cống hệ thống giao thông thủy lợi hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh. Diện tích thu hoạch lúa bằng cơ giới đạt 100%; cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt đạt 94,6%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm hằng năm, hiện toàn xã còn 126 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,28%; thu nhập bình quân đầu người là 80,038 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ sử dụng điện sinh hoạt bảo đảm an toàn; hộ sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 99,5%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,13%; tất cả 9 ấp được công nhận và giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa”…

Nhiều hộ nông dân tích cực tham gia các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Qua đó, xuất hiện nhiều hộ nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới được các cấp biểu dương điển hình. Các phong trào, các cuộc vận động được triển khai một cách đồng bộ và sâu rộng đến từng hộ dân.

Xã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, nổi bật “Mô hình trồng ớt chỉ thiên theo hướng hữu cơ kết hợp màng phủ nông nghiệp và hệ thống phun tự động”. Hiện tại xã có 15,7 ha vùng rau màu được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận an toàn thực phẩm, với sản lượng dự kiến 251 tấn/năm và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ với Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng.

Phát huy lợi thế vùng đất quê hương Bác Tôn

Nằm giữa sông Hậu cho nên xã Mỹ Hòa Hưng được vun bồi phù sa quanh năm, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Trong cơ cấu chuyển dịch cây trồng, xã đã mạnh dạn chuyển đổi 287,75 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn quả; cải tạo vườn tạp sang trồng vườn cây ăn quả chuyên canh có giá trị kinh tế cao như xoài, bưởi, lựu, nho...

Ông Lý Văn Phúc, ấp Mỹ Hiệp, người mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đất trồng màu sang trồng hoa huệ hồng với diện tích 500 m2. Ông Phúc chia sẻ: “Đây là mô hình điểm trong phát triển kinh tế ở địa phương, trong xây dựng nông thôn mới, tôi được kỹ sư nông nghiệp tích cực hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, từ cách bón phân đến giai đoạn sinh trưởng và thời điểm thu hoạch sao cho đạt hiệu quả cao nhất”. Vườn hoa ông Phúc trồng có hơn 1.300 gốc huệ hồng giống Thái Lan cho thu hoạch quanh năm, giá bán từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/bông.

Ông Phúc cho biết: Dịp Tết Nguyên đán 2024 và 2025, bông huệ giá 20.000 nghìn đồng/ bông nhưng không đủ cung cấp cho khách. Theo ông tính toán, trừ các chi phí, mỗi tháng vườn huệ cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, rau màu. Ông Phúc cho biết sẽ tận dụng đất màu còn lại tiếp tục mở rộng mô hình tăng thu nhập. Mô hình trồng thử nghiệm hoa huệ hồng của ông Phúc đã thu hút nông dân đến tham quan và học hỏi.

Cù lao Mỹ Hòa Hưng nổi tiếng nghề nuôi cá nước ngọt lớn nhất tỉnh với hơn 872 lồng, bè. Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết: Ông có 10 bè thả nuôi cá he. Nghề cá đã giúp ông Thuận và nhiều người dân đất cù lao vươn lên giàu có. Ông Thuận tâm sự, trước kia vùng này nuôi cá hú, cá basa, nhưng sau này theo thị trường, chủ bè thả nuôi đa dạng cá như điêu hồng, chim trắng, cá he… Từ sự linh hoạt đó, chủ bè không còn lo cảnh cá dội chợ rớt giá như trước đây.

Một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh: Kết quả xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu là nền tảng vững chắc để quê hương của Bác Tôn tiếp tục phát triển toàn diện, hướng đến xây dựng đô thị sinh thái gắn với du lịch văn hóa lịch sử. Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt… Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; phát huy lợi thế là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng là địa chỉ đỏ, điểm đến văn hóa-lịch sử trọng điểm của tỉnh…

Xem thêm