Tôi tình cờ gặp Thùy ở Nhật Bản hồi đầu năm vừa rồi. Cô gái nhỏ nhắn, giọng nói vẫn giữ nguyên âm điệu ngọt ngào của miền sông nước, cười rất nhẹ mà ánh mắt thì kiên định. Thùy đi theo diện xuất khẩu lao động, thủ trong tay tấm bằng phổ thông và vốn tiếng Nhật cơ bản. Cô kể rằng mình từng học thêm ngoại ngữ ở Cần Thơ, rồi chắt chiu qua mấy công việc để dành tiền thi chứng chỉ. Giờ thì vừa học vừa làm nghề ở tỉnh Aichi, với hy vọng vài năm sau sẽ mở một tiệm ăn nho nhỏ cho ba mẹ đỡ nhọc.
Là một người con miền Tây “gốc rặt Nam Bộ”, tôi nghe chuyện của Thùy mà lòng thực tâm vui mừng. Một cô gái miền Tây thế hệ mới, tự tin, tự chủ và bình ổn đang hiện diện trong từng câu nói. Đã xa rồi cái thời người ta hay nhắc đến quê xứ ấy qua những cụm từ đầy ngại ngần và tiếc nuối: “cô dâu Đài Loan” (Trung Quốc), “lấy chồng Hàn Quốc”, hay những cuộc di dân vì miếng cơm manh áo. Người miền Tây bây giờ vẫn đi, nhưng là đi học, đi làm, đi gây dựng cuộc sống bằng đôi tay và tri thức của mình. Họ đi xa hơn, nhưng bước chân vững chãi và cái đầu ngẩng cao.
Miền Tây trù phú từ lâu vẫn được gọi là vùng đất “gạo trắng nước trong”, là nơi mênh mông phù sa, cây lành trái ngọt và người thì hiền như đất. Nhưng ẩn dưới cái vẻ chân chất ấy là sự chuyển mình bền bỉ. Những góc chợ quê xưa cũ giờ vẫn còn, nhưng ở các xã ven thị trấn đã có lớp học tiếng Anh buổi tối, có trung tâm đào tạo nghề, có cả những khóa học khởi nghiệp miễn phí. Đọc sách, rèn nghề, thầy cô ở các trường vùng sâu vùng xa nay không chỉ dạy kiến thức sách vở mà còn dẫn dắt học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, kết nối kỹ năng sống, đưa các em đi ra khỏi “vùng trũng thông tin”.
Tôi nhớ có lần đi tác nghiệp ở Hậu Giang (nay là Cần Thơ), gặp một nhóm tình nguyện viên ngành y về xã khám bệnh. Trong số đó có Vinh, cậu sinh viên năm tư, dáng thư sinh nhưng tay xách nách mang đủ thứ dụng cụ y tế. “Con sinh ra ở đây mà, giờ học được cái nghề thì phải về giúp bà con chứ cô!”. Vinh cười. Câu nói nhẹ hều nhưng khiến tôi nghĩ hoài. Người trẻ miền Tây bây giờ không chỉ muốn đi xa mà còn biết quay về. Họ đi ra để mở rộng tầm mắt, rồi trở lại với mong muốn làm điều gì đó tử tế cho nơi mình sinh ra.
Vẫn rất nhiều bạn trẻ từng lên Thành phố Hồ Chí Minh đi học, đi làm thêm, tìm kiếm cơ hội. Nhưng cũng không ít người trong số họ chọn quay lại quê, mang theo kiến thức, kỹ năng và cả cái nhìn mới mẻ về lập thân, lập nghiệp. Có người mở tiệm bánh, người dựng quán cà-phê sách, có người làm du lịch sinh thái, có người thì dạy kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho trẻ ở huyện nhà. Họ không làm giàu bằng sự bon chen mà chọn con đường chậm rãi, hài hòa với gốc gác của mình.
Dù đi xa hay trở về, điều dễ nhận ra là ở họ vẫn giữ nguyên cái chất “anh Hai miền Tây” phóng khoáng, hào sảng và hồn hậu. Tôi từng gặp một chị điều dưỡng quê ở Kiên Giang đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), mỗi lần nghỉ phép là về quê cũ, mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh muốn xuất ngoại. “Chị muốn hướng dẫn các em một lối đi đàng hoàng, có nghề, có định hướng. Không ai phải nhắm mắt đưa chân kiểu “gả bán” nữa”. Chị nói, ánh mắt chan chứa. Có lẽ đó chính là điều đáng quý nhất, dù đi đâu, cũng muốn người sau đỡ nhọc nhằn hơn người trước. Thế hệ mới như Thùy, như Vinh đang viết lại hình ảnh người miền Tây, vẫn là những người trọng nghĩa, rộng rãi, hào hiệp, nhưng cũng biết học hỏi, biết lập kế hoạch và dám mơ xa.
Ở nơi nào đó giữa Đồng bằng sông Cửu Long, những lớp học thêm buổi tối vẫn sáng đèn. Những buổi offline tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Anh vẫn rôm rả trong căn phòng nhỏ sau chợ. Và trên nhiều chuyến bay xa, không khó để gặp một cô gái hay chàng trai miền Tây mạnh dạn với hành trình của riêng mình, cùng một niềm tin rõ ràng: Đi là để xây dựng quê xứ, càng không bao giờ đánh mất gốc gác hiền hòa, đậm đà của miền đất yêu thương.