Hồ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nam Anh
Hồ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nam Anh

Tái định hình nông nghiệp bằng công nghệ và chuyển đổi số

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đòi hỏi cao về chất lượng, xuất xứ và phát thải, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp tục dựa vào lợi thế tự nhiên hay mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu đã được ví như “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây”, là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Các tỉnh vùng ĐBSCL đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản quan trọng như gạo, thủy sản (tôm, cá tra...) và rau quả (chiếm khoảng 60-70% tổng xuất khẩu cả nước).

Hiện đại hóa còn chậm

Là “điểm tựa kinh tế nông nghiệp của cả nước”, ĐBSCL góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước với sản lượng lúa đạt 24,2 triệu tấn chiếm 55,4% cả nước; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60% cả nước; sản lượng thủy sản khoảng 4,79 triệu tấn, chiếm 55,7% cả nước.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng (khi đó đang là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, sản xuất nông nghiệp của vùng vẫn chậm hiện đại hóa, chưa bền vững, các chuỗi liên kết trong nông nghiệp đã được hình thành nhưng chưa được khai thác tối ưu, chưa toàn diện, sản xuất quy mô nhỏ, thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị chưa cao.

Thực tế này có một phần đến từ tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp không đồng đều giữa các khâu. Theo đó, các khâu làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hằng năm đạt trên 70%. Nhưng ở khâu chế biến sau thu hoạch và bảo quản nông sản, việc cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa cao.

Một yếu tố khác đến từ tỷ lệ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất thấp. Tính đến cuối năm 2024, cả vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 16% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tỷ lệ HTX có liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng chỉ đạt 43,4%, cho thấy phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Điều này khiến giá trị gia tăng của nông sản thấp, khả năng cạnh tranh yếu và dễ bị tổn thương trước biến động khí hậu, giá cả và thị trường quốc tế.

Cần hệ sinh thái đồng bộ

Một giải pháp chiến lược được Chính phủ triển khai là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, nhằm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ĐBSCL theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn. Đề án không chỉ nâng cao giá trị hạt gạo, mà còn hướng tới giảm phát thải khí nhà kính - tiêu chí ngày càng được thị trường quốc tế coi trọng. Điểm đặc biệt là việc tích hợp công nghệ trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ giống, quy trình canh tác chuẩn hóa, tưới tiêu tiết kiệm, thu hoạch thông minh, đến truy xuất nguồn gốc và tín chỉ carbon. Đây là cách tiếp cận hiện đại, thay vì chỉ tăng sản lượng thuần túy.

Nhiều chuyên gia đánh giá, để hiện đại hóa nông nghiệp, ĐBSCL cần một hệ sinh thái đồng bộ, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo thể chế và đầu tư hạ tầng, từ thủy lợi thông minh, kho lạnh, logistics, đến trung tâm điều phối nông nghiệp số vùng. Doanh nghiệp dẫn dắt về công nghệ, chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ. HTX và nông dân trở thành đối tác trong chuỗi, được đào tạo, hỗ trợ tài chính và tham gia vào các mô hình canh tác hiện đại.

Để thực hiện điều này, cần đẩy mạnh các cơ chế tín dụng xanh cho nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo bài bản đội ngũ quản lý HTX; áp dụng mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số như mã QR truy xuất nguồn gốc, bản đồ canh tác số và điều phối sản xuất theo cung - cầu. Đồng thời, xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch để người nông dân cùng hưởng lợi trong chính chuỗi giá trị mà họ tạo ra.

Xem thêm