Chiều 17/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất theo cấp độ rủi ro thiên tai đã được phê duyệt, hướng dẫn chính quyền cấp xã (mới) rà soát, khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; theo dõi diễn biến hiện trường, kịp thời ứng cứu, xử lý tình hình sạt lở đất vùng ven sông, ven biển.

Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các địa phương cùng các đơn vị có liên quan rà soát hệ thống công trình giao thông theo phân cấp; kịp thời phát hiện, cảnh báo các công trình có nguy cơ sạt lở, sụt lún.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh có nhiệm vụ rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ để kịp thời phát cảnh báo vùng nguy hiểm...

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường, với tổng thiệt hại về tài sản hơn 16 tỷ đồng.
Trong số đó, nhiều nhất là các vụ sạt lở, sụt lún đất xảy ra thường xuyên, làm thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau (cũ), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 46 vụ sạt lở đất ven sông, với chiều dài hơn 1.200m, thiệt hại 2 cống vuông tôm, hư hỏng 26 nhà dân.
Còn địa bàn tỉnh Bạc Liêu (cũ), gần đây đã xảy ra 4 vụ sạt lở, lở đất ven sông với chiều dài 145m, làm thiệt hại, hư hỏng 18 nhà dân.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Cà Mau có hơn 300km chiều dài bờ biển và hơn 10.000km chiều dài sông rạch, tiếp tục là “điểm nóng” tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về vấn nạn sạt lở đất ven biển, ven sông.