Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát phổ biến các chương trình tín dụng chính sách.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát phổ biến các chương trình tín dụng chính sách.

Triển khai hiệu quả tín dụng chính sách

Sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (cũ) có nhiều thay đổi, trong đó có hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát chủ động triển khai nhiều giải pháp phục vụ người dân, nhất là với các đối tượng chính sách.

Việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền tác động trực tiếp đến hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát, nhất là tại các điểm giao dịch xã và các tổ tiết kiệm và vay vốn. Phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới giao dịch, cập nhật thông tin hành chính, sắp xếp lại các tổ tiết kiệm và vay vốn phù hợp địa giới hành chính mới.

Ông Vũ Đức Minh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát cho biết: “Ngay sau khi sáp nhập xã, chúng tôi khảo sát thực tế, phối hợp, tham mưu ủy ban nhân dân xã mới để thống nhất duy trì điểm giao dịch ở nơi thuận tiện nhất cho người dân. Nhờ đó dòng vốn chính sách không bị gián đoạn, hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi… diễn ra bình thường. Cùng với đó, cán bộ tín dụng chính sách trực tiếp xuống địa bàn, đến từng hộ dân để hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, dễ dàng”.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát duy trì hoạt động hiệu quả tại tất cả 20 điểm giao dịch sau sáp nhập. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu để cập nhật thông tin hành chính mới, từ đó giảm sai sót trong quản lý danh sách hộ vay, tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp các tổ chức đoàn thể: Hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên… ký kết hợp đồng ủy thác với các đơn vị liên quan, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tín dụng chính sách, bảo đảm việc phối hợp ủy thác diễn ra thông suốt.

Bà Vũ Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bát Xát chia sẻ: “Sau khi cùng ngân hàng chính sách xã hội ký hợp đồng ủy thác, chúng tôi được tập huấn rất cụ thể về quy trình tín dụng, cách lập hồ sơ cho vay, kiểm tra sử dụng vốn. Nhờ đó, công tác quản lý vay vốn tại các tổ vay vốn vẫn ổn định, không có hiện tượng nợ xấu phát sinh do thay đổi địa giới hành chính”.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những trụ cột quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn cần nguồn vốn để phát triển. Sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ngân hàng chính sách xã hội đã thể hiện vai trò nòng cốt, linh hoạt điều hành, phối hợp chặt chẽ với địa phương và các tổ chức đoàn thể để duy trì hiệu quả chương trình tín dụng chính sách. Điều này góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem thêm