Chương trình OCOP tại Bắc Ninh không chỉ là việc phát triển kinh tế mà qua đó còn tái định nghĩa lại giá trị của những sản phẩm nông nghiệp. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại, sáng tạo và niềm đam mê gìn giữ giá trị truyền thống, đã góp phần nâng tầm nhiều nông sản có thêm giá trị kinh tế bền vững. Từ những cây nghệ vàng, con lợn, con cá, đến những lá chè xanh mướt, với quy trình sản xuất, chế biến công nghệ hiện đại, khép kín và chiến lược tiếp cận thị trường thông minh, các sản phẩm OCOP lần lượt ra đời và đến với thị trường trong nước và quốc tế. Tính đến nay, tỉnh đã có 1.204 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Sự kiện sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đạt chứng nhận 5 sao đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Đằng sau mỗi sản phẩm là câu chuyện về sự kiên trì và khát vọng vươn xa. Những hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất tại Bắc Ninh không chỉ sản xuất để bán, mà còn để kể câu chuyện về văn hóa, con người và mảnh đất quê hương. Họ đã giúp những nguyên liệu quen thuộc trở thành sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một thành viên của Hợp tác xã Thương mại và Sản xuất Linh Đăng (phường Bồng Lai) từng nghĩ rằng, nghề chăn nuôi lợn và chế biến thực phẩm chỉ là công việc mưu sinh giản đơn. Nhưng khi triển khai chương trình OCOP, chị nhìn thấy cơ hội giúp những sản phẩm truyền thống của gia đình trở thành một thương hiệu thực thụ. Chị Hằng chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ làm giò lụa, lạp xưởng theo cách thủ công, bán trong làng hoặc ngoài chợ. Tuy nhiên, nếu biết áp dụng công nghệ, sản phẩm của mình có thể đi xa hơn”. Kết quả, những sản phẩm như xúc xích, dồi sụn non và lạp xưởng tươi của hợp tác xã không chỉ được công nhận là sản phẩm OCOP mà còn xuất hiện trên kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thậm chí được người tiêu dùng ở các tỉnh lân cận yêu thích.
Câu chuyện của anh Trần Văn Dũng, một kỹ sư trẻ tại Công ty TNHH Dược liệu FUJIKO ở phường Võ Cường là một minh chứng khác cho sự đổi mới trong chương trình OCOP. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng nghệ vàng, anh Dũng luôn trăn trở làm thế nào để nâng giá trị của loại cây quen thuộc này. Nghệ không chỉ là gia vị hay thuốc dân gian, nếu chế biến đúng cách, nó có thể trở thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp. Với niềm đam mê và kiến thức về công nghệ, anh Dũng đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ nano để chiết xuất nano curcuminoid, một dạng tinh chất nghệ có khả năng hấp thụ vượt trội. Công ty FUJIKO đã đầu tư vào các thiết bị hiện đại giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất. Kết quả là ba sản phẩm: Nước uống dưỡng chất Kanzen Life, Curcumin Ukol và Nano Curcuminoid Fujiko do anh sản xuất đã đạt chuẩn OCOP 4 sao và được xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Trung Quốc và các nước ASEAN.
Điều làm anh Dũng tự hào không chỉ thành công thương mại mà còn là việc sản phẩm của mình mang lại giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng. Cơ sở của anh còn tận dụng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, từ các sàn như Shopee, Lazada đến trang mạng xã hội, giúp tiếp cận đông đảo khách hàng.
Sự phát triển của chương trình OCOP tại Bắc Ninh không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, từ cung cấp kinh phí mua máy móc, xây dựng kho lạnh, đến tổ chức các hội chợ, triển lãm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Các chương trình đào tạo về quy trình sản xuất an toàn, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và kỹ năng thương mại điện tử được tổ chức thường xuyên, giúp các chủ thể OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành công, chương trình OCOP tại Bắc Ninh vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều chủ thể sản xuất còn hạn chế về vốn và công nghệ, trong khi một số sản phẩm vẫn dừng lại ở mức sơ chế, chưa tận dụng hết tiềm năng giá trị gia tăng. Việc xây dựng thương hiệu và cải tiến bao bì cần được chú trọng hơn để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bắc Ninh đang có những cơ hội lớn để đưa sản phẩm OCOP vươn xa hơn. Việc kết nối với các điểm du lịch sinh thái, như các làng quan họ hay các khu di tích lịch sử, đang mở ra một hướng đi mới.
Sự phát triển của thương mại điện tử và các sàn giao dịch trực tuyến đang giúp các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn. Với sự hỗ trợ của chính quyền và tinh thần sáng tạo không ngừng, các sản phẩm này không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, mà còn dần khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.