“Con đường ngắn nhất” thu hẹp khoảng cách
Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2025, đã diễn ra chương trình đối thoại địa phương của khu vực miền núi Đông Bắc Bộ, thu hút hơn 100 doanh nhân trẻ từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn và các đối tác ở Hà Nội, Quảng Ninh tham gia.
Đây là một phần trong chuỗi ba vòng kết nối của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, bao gồm cấp địa phương, cấp bộ/ngành và cấp cao. Vì mục tiêu tạo cầu nối trực tiếp giữa thực tiễn kinh doanh và hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp tham gia có cơ hội phản ánh những vướng mắc, đồng thời đề xuất chính sách sát thực tiễn. Tại diễn đàn này, các doanh nhân trẻ của các tỉnh, thành phố nói trên đã góp phần khắc họa bức tranh toàn cảnh về khát vọng đổi mới, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân miền núi.
Ông Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định, nội dung chính của diễn đàn đặc biệt này hướng đến mục tiêu thúc đẩy thực hiện bốn nghị quyết chiến lược của Trung ương gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, chuyển đổi số chính là “con đường ngắn nhất” để các địa phương rút ngắn khoảng cách phát triển. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã được cụ thể hóa thông qua ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm địa phương như miến dong, trà bí xanh hay việc đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử. Hay Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế cũng giúp doanh nghiệp địa phương từng bước tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến đầu tư cấp vùng, hội chợ chuyên ngành được đánh giá là cầu nối hiệu quả để doanh nghiệp nhỏ bắt nhịp thị trường lớn.
Khơi dậy khát vọng đổi mới, mở lối hội nhập
Về phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, điểm then chốt quan trọng nhất vẫn là Nghị quyết số 68-NQ/TW - “trái tim” của bốn Nghị quyết quan trọng của Trung ương. Do đó, từ Trung ương đến địa phương cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ bằng kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực rõ ràng, tránh để chính sách bị “chôn vùi” dưới tầng tầng, lớp lớp các loại thủ tục.
Ở một góc nhìn thực tế, ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng chia sẻ, với đặc điểm địa lý vùng cao biên giới, điểm nghẽn lớn nhất chính là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số. Vì bị hạn chế về tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất còn manh mún, các doanh nghiệp này không thể tham gia vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Trong khi đó, tỉnh lại thiếu doanh nghiệp đầu tàu đủ sức dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Thêm nữa, hệ thống logistics và hạ tầng số tại các khu vực cửa khẩu, vùng giáp biên còn nhiều bất cập, làm giảm năng lực cạnh tranh.
“Nghị quyết số 68-NQ/TW được kỳ vọng khơi dậy niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng nếu thiếu hành động cụ thể, đồng bộ và thống nhất từ các cấp, ngành đến địa phương thì những lợi thế
từ nghị quyết quan trọng này sẽ không thể phát huy. Để cải thiện tình hình này, có năm trụ cột quan trọng cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đó là: hoàn thiện khung khổ pháp lý, đầu tư hạ tầng số, hỗ trợ tài chính đặc thù, thu hút doanh nghiệp đầu tàu và phát triển nhân lực theo nhu cầu địa phương”, ông Đàm Văn Tiến nhận định.
Dẫn thí dụ về việc các doanh nghiệp địa phương đang bị “lấn sân” bởi chính các tập đoàn lớn-những đơn vị vốn được giao nhiệm vụ dẫn dắt đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Tuyên Quang đặt ra vấn đề, muốn phát triển startup miền núi, cần trả lại sự công bằng trong thực thi chính sách. Theo ông Đỗ Văn Định, Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, song muốn phát triển startup miền núi cần có môi trường phát triển thuận lợi, có thêm sân chơi thử nghiệm, hỗ trợ tài chính và cơ hội tiếp cận thị trường. Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng cần triển khai đồng bộ ba yếu tố quan trọng, gồm: chính sách phù hợp, hạ tầng đủ mạnh và niềm tin vào môi trường kinh doanh.
Nhìn chung, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực trung du và miền núi phía bắc vẫn còn có sự phân hóa giữa các ngành và các địa phương. Phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh chính là giải pháp để xóa bỏ những thách thức về phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương.
Vùng trung du và miền núi phía bắc là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất cả nước, với hệ sinh thái văn hóa - sinh thái đa dạng, nguồn tài nguyên đặc hữu như chè Shan tuyết, gạo Séng Cù, mật ong bạc hà, các loại dược liệu quý, sản phẩm thổ cẩm, thủ công truyền thống... Để tối ưu hóa những lợi thế này, thương mại điện tử chính là “sợi dây liên kết” mạnh mẽ giữa các vùng miền.