Chốt kiểm soát hoạt động nghiêm ngặt tại địa bàn có dịch.
Chốt kiểm soát hoạt động nghiêm ngặt tại địa bàn có dịch.

Quyết liệt khống chế dịch tả lợn châu Phi

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh tại tỉnh Phú Thọ. Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đang nỗ lực triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 43 xã, phường xuất hiện ổ dịch, với 400 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng; tổng số lợn phải tiêu hủy là 2.680 con, tổng trọng lượng 149.117 kg. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã cấp 1.201 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch.

Kiểm soát chặt từ cơ sở

Thung Nai là xã mới, được sáp nhập từ xã Bắc Phong, Thung Nai và Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình (cũ). Với diện tích 86,340 km2, quy mô dân số 10.600 người. Toàn xã có 20 xóm với 240 hộ và 10.600 nhân khẩu. Dù mới thành lập, cơ cấu tổ chức chính quyền xã đã hoạt động bài bản, thông suốt. Tại xã có 10 hộ phải tiêu hủy lợn bệnh với 22 con, tổng trọng lượng 1.690 kg. Tại xã, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được chính quyền và người dân nghiêm túc triển khai. Ông Nguyễn Việt Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thung Nai cho biết, khi phát hiện dịch, xã đã ban hành các quyết định, kế hoạch, tổ chức triển khai kiểm soát và phòng chống dịch; đồng thời, thành lập 20 tổ khử trùng tiêu độc, tiêu hủy và các chốt kiểm dịch. Tổ khử trùng tiêu độc, tiêu hủy có trách nhiệm phun hóa chất khử trùng tiêu độc, tổ chức tiêu hủy lợn bị ốm, chết theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Xã thành lập các tổ phản ứng nhanh tạm thời để phục vụ phòng chống dịch. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống dịch được triển khai quyết liệt. Tại xã Thượng Cốc, tỉnh Hòa Bình (cũ), từ ngày 14-17/7 có 38 con lợn chết do dịch. Các chốt kiểm soát dịch tại đường ra vào xóm hoạt động 24/24 giờ để nghiêm cấm vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng dịch. Xã tổ chức phun tiêu độc khử trùng hằng ngày tại khu vực chuồng trại, đường làng, bãi rác và các điểm nguy cơ cao. Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, hạn chế lây lan; tâm lý người dân dần ổn định. Những ngày gần đây, xã chưa phát hiện thêm lợn mắc bệnh và chết.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Toàn tỉnh đang triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, với các giải pháp tập trung vào đổi mới công tác lãnh đạo, xác định người dân đóng vai trò chủ thể, với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai một số giải pháp: Đánh giá tình hình, rà soát, bổ sung lực lượng cán bộ chuyên môn thú y bám sát địa bàn để phối hợp, hướng dẫn các địa phương huy động nguồn lực tại chỗ; kiểm tra, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, công bố dịch và xử lý triệt để khi dịch phát sinh; kiểm soát chặt chẽ đến từng hộ nuôi, yêu cầu cam kết khi có lợn ốm hoặc biến động đàn phải khai báo, không tái đàn trong giai đoạn áp lực dịch bệnh cao. Sở yêu cầu, xử lý nghiêm hành vi bán chạy, giấu dịch, vứt xác ra môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tình hình dịch bệnh nhưng không gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị chức năng vận động người chăn nuôi chỉ tái đàn khi bảo đảm an toàn sinh học, áp lực dịch bệnh giảm. Địa phương khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ theo hướng khép kín, bảo đảm an toàn sinh học. Thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn bảo đảm an toàn, đúng quy định; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Ông Nguyễn Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đã ban hành văn bản triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở xuống địa bàn kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, phối hợp, hướng dẫn các địa phương xử lý ổ dịch; lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Sở phối hợp các cơ quan truyền thông đưa tin về nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp phòng chống dịch. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi có thể tiếp tục phát sinh, lây lan, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chi Cục chăn nuôi, thú y và Thủy sản Phú Thọ đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, xác minh dịch bệnh; hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở; phối hợp các địa phương khi nhận thông tin về lợn ốm, chết để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Chi cục yêu cầu chủ động giám sát đến từng hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, tuân thủ lấy mẫu xác định chính xác dịch, kịp thời cảnh báo, xử lý triệt để khi phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường khiến dịch lây lan. Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc khác (trâu, bò, dê...), gia cầm và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. Cơ sở phải thực hiện nghiêm biện pháp cách ly, tổng vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn...

Xem thêm