Theo lộ trình, đến năm 2030, 50% số xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ chuyển sang chạy điện.
Theo lộ trình, đến năm 2030, 50% số xe buýt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ chuyển sang chạy điện.

Thái Nguyên thúc đẩy giao thông xanh

Nhiều thời điểm trong năm, không khí ở khu vực trung tâm và phía nam tỉnh Thái Nguyên xấu và rất xấu, nguy hại cho sức khỏe, chủ yếu do hoạt động vận tải. Nhằm giảm ô nhiễm đến mức thấp nhất, tỉnh Thái Nguyên đang thúc đẩy giao thông xanh, từng bước chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang chạy điện.

Khu vực trung tâm và đô thị phía nam tỉnh Thái Nguyên có nhiều khu, cụm công nghiệp. Đây cũng là đầu mối giao thông đi các địa phương, cho nên lưu lượng giao thông lớn, gây tiếng ồn và phát thải ô nhiễm môi trường. Cùng với các hoạt động công nghiệp, xây dựng khiến không khí nhiều ngày ở mức xấu. Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là người có bệnh đường hô hấp, người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh nền.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch phát triển phương tiện giao thông xanh, phối hợp với một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh xe điện và mạng lưới trạm sạc điện. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt hơn 130 trạm sạc, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ lắp đặt 300 trạm. Thời gian qua, trên các tuyến đường, ô-tô chạy điện xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện có hơn 2.500 xe ô-tô điện, trong đó có gần 1.000 xe taxi, còn lại là xe cá nhân.

Về giao thông công cộng, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với doanh nghiệp vận tải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách chuyển đổi một số tuyến xe buýt. Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan đã phối hợp Sở Xây dựng chọn ba tuyến xe buýt có lưu lượng lớn: Tân Long-Nỷ (tuyến 01), Gang Thép-Yên Lãng (tuyến 02) và Thái Nguyên-Định Hóa (tuyến 03) để chuyển sang xe buýt điện với khoảng 45 chiếc xe và lắp đặt 30 trụ sạc điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: “Xe buýt điện giảm phát thải, tiếng ồn và chi phí vận hành, sửa chữa thấp, nhưng vốn đầu tư rất lớn. Để mua 45 chiếc xe buýt điện và lắp đặt 30 trụ sạc điện, chúng tôi cần hơn 200 tỷ đồng và phải mất nhiều năm mới thu hồi được vốn. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm nhà cung cấp, làm việc với các địa phương để mở rộng đầu bến, có quỹ đất xây dựng trạm sạc, mời gọi doanh nghiệp lắp đặt trạm sạc ở các đầu bến xe buýt...”.

Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển xe buýt xanh, trình các cấp có thẩm quyền tỉnh, trong đó đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất ngân hàng khi vay vốn đầu tư xe buýt, lắp đặt trạm sạc và hỗ trợ giá vé cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi và các đối tượng chính sách xã hội. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và đề án phát triển xe buýt xanh, giao thông xanh tại Thái Nguyên kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ.

Xem thêm