Nghị quyết đưa ra lộ trình: Từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần; Từ ngày 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi nylon khó phân hủy sinh học; Từ ngày 1/1/2028 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học...
Thách thức từ hành vi tiêu dùng
Từ năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng “Liên minh siêu thị giảm tiêu thụ túi nylon”. Nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có Saigon Co.op, Aeon, LOTTE, MM Mega Market, Big C... cam kết thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân thông qua các hoạt động giảm túi nhựa dùng một lần, phát túi sinh học và truyền thông. Cũng có nhiều hệ thống siêu thị lớn hiện đã từ chối dùng túi nylon khi mua sắm, thay vào đó là sản phẩm thay thế, như rau bọc lá chuối; cà-phê đóng gói bằng bao bì giấy… góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao thay đổi được hành vi của người tiêu dùng. Theo ghi nhận, các cửa hàng, siêu thị và chợ truyền thống tại Hà Nội, người bán hàng và tiêu dùng vẫn chủ yếu sử dụng túi nylon, hộp nhựa để mua bán hàng.
Cần thay đổi nhận thức đến hành động
Trước thực trạng này, để tăng cường quản lý, giảm phát thải nhựa trên địa bàn, đồng thời cụ thể hóa nội dung tại điểm D khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc ban hành một số biện pháp giảm phát thải nhựa riêng của Hà Nội là hết sức cần thiết, bảo đảm phù hợp với các quy định.
Nhìn nhận tính khả thi, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, giải quyết hiệu quả vấn đề này phải tính đến bài toán đồng bộ về xã hội và kinh tế. Cụ thể, cần thay đổi nhận thức của cộng đồng thông qua tuyên truyền về tác hại lâu dài của rác thải nhựa đến môi trường đất, đại dương và sức khỏe thế hệ tương lai. Song song đó là phát triển, cung cấp sản phẩm bao bì thay thế thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng và giá thành hợp lý.
“Chúng ta có thể làm đồng loạt nhiều giải pháp như truyền thông, thay đổi ý thức người dân, hạ chi phí giá túi thân thiện, đánh thuế cao việc sản xuất túi nilon khó phân hủy. Quan trọng nhất, là giá thành túi thân thiện để nhà bán lẻ không tăng giá khi gánh thêm giá bao bì”, ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS TS Lê Văn Hưng, Giảng viên cao cấp Trường đại học Tài nguyên và Môi trường nêu kiến nghị, cần triển khai đồng bộ ba trụ cột để hạn chế rác thải nhựa: Hoàn thiện hành lang pháp lý, áp dụng giải pháp khoa học - công nghệ và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Cần ứng dụng công nghệ để giảm giá thành sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời khuyến khích người dân chuyển sang dùng các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học. Vấn đề cốt lõi nữa là cần xây dựng bài toán tổng thể trong việc áp dụng công nghệ vào khâu thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững.
Cùng đó, các cơ quan quản lý hữu quan cần tăng cường đẩy nhanh tiến trình, hợp tác với đối tác từ các nước phát triển để chuyển giao kỹ thuật; tham gia vào các diễn đàn kinh tế tuần hoàn nhằm sớm tạo ra các sản phẩm nhựa tái chế đạt chuẩn và an toàn.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), rác thải nhựa gây ô nhiễm đất, nước, không khí và biển, từ đó tạo điều kiện để vi nhựa theo nguồn nước, không khí hoặc các loại hải sản vào cơ thể người, gây tổn thương tế bào, gây viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, suy giảm chức năng gan, thận.