Sau sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang rộng lớn hơn, có tiềm năng để phát triển các khu cụm công nghiệp hiện đại và vùng sản xuất tập trung. Nguồn: HDNTQ
Sau sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang rộng lớn hơn, có tiềm năng để phát triển các khu cụm công nghiệp hiện đại và vùng sản xuất tập trung. Nguồn: HDNTQ

Rộng mở cơ hội phát triển sau khi sáp nhập

Sắp xếp lại đơn vị hành chính lãnh thổ, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước là một chủ trương mang tính chiến lược và đổi mới toàn diện của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu tái cấu trúc và mở rộng không gian phát triển kinh tế.

Việc sáp nhập tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang (cũ) để thành lập tỉnh Tuyên Quang mới đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Nỗ lực bứt phá, linh hoạt thích nghi

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, một không gian mới đang được mở rộng, từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến giấy tại khu công nghiệp Long Bình A (Tuyên Quang), Công ty cổ phần giấy An Hòa ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu của mình khi có nhiều sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, công ty luôn chú trọng đầu tư phát triển nguồn lực lao động và coi đây là nhiệm vụ cốt lõi trong phát triển doanh nghiệp.

Với lực lượng lao động hơn 800 người, Công ty cổ phần giấy An Hòa luôn tận dụng tối đa mọi nguồn lực, điều kiện thuận lợi để sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp đã thực hiện cải tiến và đầu tư mới các hệ thống đo lường, thiết bị, cơ bản thực hiện triệt để việc chuyển đổi số trong toàn hệ thống sản xuất kinh doanh để đồng hành với việc chuyển đổi số quốc gia theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Năm 2024, doanh nghiệp đã sản xuất và tiêu thụ hơn 30 nghìn tấn giấy và các sản phẩm bột giấy, với doanh thu đạt trên 3.500 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất được duy trì ổn định, cơ bản hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Ông Hoàng Minh Sơn – Giám đốc Hành chính Công ty cổ phần giấy An Hòa cho biết, với thế mạnh về chuyển đổi số sẵn có, ngay từ đầu tháng 7/2025, doanh nghiệp này đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thích nghi với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính lãnh thổ.

Không riêng gì Công ty cổ phần giấy An Hòa, ở Tuyên Quang, cộng đồng doanh nghiệp trẻ thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vị thế, uy tín thông qua việc chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ và nền tảng số vào sản xuất kinh doanh, từ quản lý nội bộ, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, hàng hóa đến kết nối trực tiếp với khách hàng quốc tế…

Thời cơ mới, không gian phát triển mới

Theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, việc sáp nhập không chỉ là sự hợp nhất về địa giới hành chính và còn tạo đòn bẩy cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế của địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang đã có những bước chuẩn bị kịp thời nhằm đón đầu những cơ hội khi sáp nhập tỉnh, cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Giang (cũ).

Thực tế, với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khá đồng bộ, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ sẽ mở ra một không gian phát triển, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Tuyên Quang kết nối với các doanh nghiệp trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Bên cạnh lợi thế về giao thông, hiện Tuyên Quang đã có các cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, hình thành các chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Khi không gian được mở rộng, dân số đông hơn, doanh nghiệp cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thay vì hai tỉnh miền núi nhiều khó khăn, giờ đây là một tỉnh lớn hơn, có tiềm năng để phát triển các khu cụm công nghiệp hiện đại và vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, thời cơ luôn đi kèm với thách thức và các doanh nghiệp phải nỗ lực bứt phá, có nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt thích ứng với môi trường mới để phát triển.

Dẫn nhiều thí dụ minh chứng cụ thể về việc khơi thông dòng chảy chính sách từ Trung ương xuống cơ sở cần thông qua bốn “trạm bơm”: thể chế - tài chính - hạ tầng - nhân lực, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang cho rằng, doanh nghiệp cần sự đồng hành của chính quyền. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đầu tiên và tiên phong, đề xuất giải pháp như tiếp tục rút gọn thủ tục hành chính, có gói tín dụng tài chính riêng cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh; hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp ở Tuyên Quang đặt nhiều niềm tin sau sáp nhập, nhưng cũng mong muốn chính quyền địa phương có những chính sách cụ thể, đồng bộ để không chỉ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững mà còn đồng hành cùng người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Xem thêm