Theo Đề án thành lập Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở sáp nhập Sở Y tế hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, hoạt động ngành y tế sau sáp nhập vẫn duy trì ổn định, không xáo trộn về tổ chức. Mục tiêu là bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân không bị gián đoạn.
Xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập từ ba xã của tỉnh Hà Giang trước đây là Lũng Cú, Ma Lé và Lũng Táo, với gần 4.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc H’Mông chiếm hơn 70%. Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Trước thực trạng đó, ngành y tế tỉnh linh hoạt giữ ba trạm y tế tại vị trí cũ, giúp người dân thuận tiện tiếp cận dịch vụ y tế.
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Duy Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Cú cho biết: “Việc duy trì cả ba trạm y tế là cần thiết, bảo đảm người dân không bị gián đoạn trong chăm sóc sức khỏe, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi”.
Nhu cầu khám, chữa bệnh, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản... đòi hỏi phải có sự chăm sóc, gần gũi, kịp thời. Do đó, việc giữ lại các trạm y tế cũ thể hiện tinh thần lấy người dân làm trung tâm trong hoạch định chính sách y tế, nhất là tại vùng cao, vùng biên giới.
Chị Long Thị Hương, thôn Quảng Hà, xã Quảng Nguyên cho rằng, các trạm y tế hiện nay cần bổ sung bác sĩ. Với những bệnh thông thường, người dân sẽ khám và lấy thuốc tại trạm, không cần đi bệnh viện xa. Đây cũng là nguyện vọng của người dân sinh sống tại các xã vùng cao, điều kiện đi lại khó khăn.
Vai trò của các trạm y tế rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, không chỉ với người dân các xã vùng sâu mà ở những xã, phường trung tâm có kinh tế phát triển, hạ tầng giao thông thuận lợi. Bà Hà Thị Phương, thôn Nhùng Dàm, xã Yên Sơn chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp và tiểu đường, hằng tháng phải đến trạm y tế xã lấy thuốc định kỳ. Nhà cách trạm y tế hơn 1 km cho nên rất thuận tiện. Nếu trạm dừng hoạt động, tôi phải đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện xa hơn, trong khi tuổi đã cao, đi lại khó khăn”.
Trạm y tế xã không chỉ là nơi sơ cấp cứu, thăm khám ban đầu mà còn là điểm cấp phát thuốc định kỳ, điểm tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông y tế dự phòng… Đây cũng là tuyến gần dân nhất, góp phần giảm tải cho tuyến trên và nâng cao hiệu quả bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngành y tế tỉnh cần tiếp tục nâng cấp, đầu tư nhân lực, trang thiết bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân.
Tỉnh Tuyên Quang có 104 trạm y tế xã, phường và 22 phòng khám đa khoa khu vực. Tuy nhiên, còn khoảng 20% số xã chưa có bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm y tế. Trước thực trạng đó, ngành y tế tỉnh đã triển khai các giải pháp: Điều động bác sĩ từ trung tâm hoặc trạm y tế khác hỗ trợ, trung bình hai ngày một tuần. Giải pháp này bảo đảm công tác khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc định kỳ theo đúng quy định.
Bác sĩ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc duy trì và củng cố hoạt động của trạm y tế sau sáp nhập là chủ trương quan trọng của Bộ Y tế và các địa phương. Mục tiêu là bảo đảm mọi người dân được tiếp cận y tế thuận tiện. Sáp nhập xã sẽ giải quyết một phần tình trạng thiếu bác sĩ. Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ rà soát thực trạng từng địa phương, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với địa bàn. Mục tiêu là tất cả người dân tại vùng sâu, vùng xa đều được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, kịp thời, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự thay đổi nào sau sáp nhập.