Một góc quang cảnh tọa đàm.
Một góc quang cảnh tọa đàm.

Thành phố Hồ Chí Minh tìm hướng phát triển công nghiệp sau hợp nhất

Sau khi hợp nhất cùng hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng không gian phát triển và có nhiều cơ hội thuận lợi để định hình lại mô hình tăng trưởng các ngành công nghiệp.

Ngày 17/7, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương Thành phố đã phối hợp các cơ quan và đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề “Động lực phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - Từ tiềm năng đến hành động”.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh mới đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, với nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng. Do vậy, việc đánh giá, định hình lại vai trò và chiến lược phát triển công nghiệp của thành phố là yêu cầu bức thiết nhằm giúp thành phố có được bước đột phá mới về tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, góp phần củng cố vững chắc vị thế “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

Vì vậy, mục tiêu của tọa đàm là tìm lời giải cho câu hỏi lớn: Làm gì để công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trụ cột phát triển bền vững, gắn với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế đô thị hiện đại?

toa-dam-2.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thảo luận tại tọa đàm.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Thành phố, từ nhiều năm qua, lĩnh vực công nghiệp đã và đang là một trong những động lực tăng trưởng trụ cột của thành phố. Nhờ đó, trong những năm qua thành phố luôn giữ vững vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 30% GRDP, là nền tảng để thành phố hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong những năm tới.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp của thành phố đã và đang đối mặt với nhiều thách thức: Chi phí logistics còn cao (chiếm 16-20% giá thành hàng hóa), quỹ đất sạch hạn chế, chi phí tiếp cận mặt bằng lớn, công nghệ sản xuất lạc hậu, mức độ tự động hóa thấp, năng suất lao động mới đạt 60% so các đô thị công nghiệp phát triển trên thế giới...

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã đề xuất, kiến nghị và cùng nhau thảo luận nhiều “kế sách”, giải pháp để các ngành công nghiệp tiếp tục là trụ cột trong nền kinh tế thành phố mới.

anh-tuan-2.jpg
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: CTV)

Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), thành phố mới vẫn giữ vị thế dẫn đầu cả nước về lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì thành phố không thể tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng mà phải tái cấu trúc không gian công nghiệp và phân vai rõ ràng giữa các vùng để tối ưu hóa chuỗi giá trị.

Theo đó, thành phố (cũ) nên đóng vai trò là “bộ não”, nơi tập trung hoạt động nghiên cứu và phát triển, tài chính, kiểm định chất lượng và điều phối sản xuất. Khu vực Bình Dương (cũ) và tỉnh Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao; còn Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) đảm nhận vai trò đầu mối xuất-nhập khẩu và trung tâm năng lượng; Long An được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản…

Để sớm hiện thực hóa định hướng này, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế tích hợp, tận dụng hiệu quả các nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết số 57-NQ/TW (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia), Nghị quyết số 66-NQ/TW (về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật), Nghị quyết số 68-NQ/TW (về phát triển kinh tế tư nhân)…

Theo các chuyên gia, thành phố cần có tầm nhìn mới đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, đổi mới sáng tạo, logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

loc-ha.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà phát biểu kết luận tọa đàm. (Ảnh: CTV)

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà cho rằng: Công nghiệp hiện đại, đổi mới sáng tạo phải là trụ cột dẫn dắt siêu đô thị hơn 14 triệu dân bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Để sớm giải quyết được những hạn chế, thách thức và biến tiềm năng thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Lộc Hà yêu cầu các sở, ngành phải nhanh chóng triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Theo đó, Sở Công thương khẩn trương tổng hợp toàn bộ ý kiến từ tọa đàm; đề xuất điều chỉnh quy hoạch công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, xanh, nền tảng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tập trung các lĩnh vực cơ khí, hóa chất, điện tử, vi mạch-bán dẫn…

Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; kết nối viện, trường, doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới…

Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghệ mới.

Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh gắn với logistics vùng.

Ngoài ra, các viện nghiên cứu, trường đại học được khuyến khích tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo và phản biện chính sách.

Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư vào công nghiệp xanh, nâng cao năng suất và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn về môi trường, lao động.

Xem thêm