Nhờ áp dụng công nghệ, quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được rút gọn và thuận lợi hơn. Ảnh: Hữu Hạnh
Nhờ áp dụng công nghệ, quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được rút gọn và thuận lợi hơn. Ảnh: Hữu Hạnh

Nỗ lực số hóa để gần dân, vì dân

Sau những tuần đầu triển khai mô hình chính quyền hai cấp, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều phường, xã mới đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Chủ động tiếp cận người dân

Tại phường Thủ Đức, đơn vị mới thành lập từ việc sáp nhập năm phường cũ, hơn 50 tình nguyện viên đã tham gia tập huấn kỹ năng số. Sau đó, các tình nguyện viên nhanh chóng xuống các khu phố để hướng dẫn người dân thao tác hành chính công trực tuyến ngay tại nhà.

Phường Thủ Đức hiện cũng đang thí điểm sử dụng robot nhận diện khuôn mặt và giọng nói để hướng dẫn người dân thực hiện một số thủ tục cơ bản như tra cứu hồ sơ, lấy số thứ tự. Ông Mai Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy phường cho hay: Đây mới chỉ là bước khởi đầu và kỳ vọng trong tương lai, robot sẽ hỗ trợ một phần công việc cho cán bộ, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Tại phường Tăng Nhơn Phú, chính quyền đã phối hợp với lực lượng thanh niên, chiến sĩ Mùa hè xanh triển khai chương trình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ từng hộ dân” hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VNeID, ứng dụng Công dân số, để người dân tiếp cận mô hình hành chính hiện đại. Chị Thiên Kim, ngụ phường Tăng Nhơn Phú cho biết: “Việc chính quyền phường triển khai đến từng hộ dân giải quyết một số thủ tục hành chính là rất thiết thực, khiến tôi thấy hài lòng và rất tin tưởng”.

Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, các tình nguyện viên còn tích cực tuyên truyền phòng chống lừa đảo công nghệ, bảo vệ an toàn trên không gian mạng và số hóa dữ liệu phục vụ quản lý đô thị. Như tại phường Dĩ An, sinh viên Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng chính quyền xây dựng “Bản đồ khu phố Đông Chiêu A” tích hợp QR code giúp tra cứu địa chỉ, phục vụ sinh hoạt cộng đồng và quản lý hạ tầng.

Tăng lực lượng “công chức số”

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ người dân, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai đồng bộ bốn hệ thống nền tảng dành cho cán bộ công vụ, gồm: Quản lý điều hành điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, hội nghị trực tuyến và Tổng đài 1022 - kênh tương tác hai chiều giữa người dân với chính quyền. Song song đó, thành phố mở rộng các kênh tương tác hai chiều, như chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, các fanpage phường, xã, tổ công nghệ số cộng đồng… nhằm tạo nên một mạng lưới lắng nghe, phản hồi và hành động ngày càng hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mô hình chính quyền hai cấp đi vào hoạt động vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện, nhất là việc đồng bộ dữ liệu và nâng cấp hạ tầng công nghệ, nhưng tinh thần cải cách hành chính công tại nhiều phường, xã đang diễn ra mạnh mẽ. Thời gian tới, thành phố sẽ khẩn trương rà soát và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ tại cấp phường, xã hướng tới phục vụ người dân tốt hơn”.

Tuy nhiên, để mô hình chính quyền hai cấp vận hành thông suốt, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất: Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng tốc đầu tư hạ tầng, bổ sung nhân sự và cung cấp đầy đủ thiết bị số cho cán bộ tại các địa phương. Tăng tốc áp dụng “nhân lực số”, như AI, chatbot, robot để giảm tải công việc cho cán bộ phường, xã sau khi sáp nhập. Bởi ngoài vấn đề cán bộ - nhân sự, các phường, xã cũng đang rất cần một lực lượng “công chức số” để xử lý những việc đơn giản nhưng tốn thời gian như hướng dẫn, nhập liệu, kiểm tra lỗi...

Với tính chất của một thành phố đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất cả nước cần cách tổ chức sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng mô hình chính quyền mới.

Xem thêm