Hợp tác xã rau, củ, quả an toàn Văn Giang có 24 thành viên, diện tích sản xuất gần 48 ha, chuyên canh các loại cây ăn quả đặc trưng như ổi, cam Vinh, cam đường canh. Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm OCOP; đồng thời chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi cửa hàng rau quả sạch tại Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận.
Anh Đinh Tiến Hạnh, thành viên hợp tác xã, hiện trồng hơn 1 ha ổi, lê, mỗi năm thu khoảng 20 tấn quả. Anh cho biết, các thành viên đều được hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư; sản xuất nghiêm ngặt theo quy trình tiêu chuẩn, chứng nhận VietGAP và OCOP cho nên sản phẩm nông sản khẳng định chất lượng, uy tín, có sức cạnh tranh cao, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên hợp tác xã.
Ở tỉnh Hưng Yên, nhiều cơ sở sản xuất đã tham gia tích cực chương trình OCOP để nâng tầm thương hiệu. Ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở chế biến nông sản ở xã Tân Hưng cho biết, cơ sở sản xuất của gia đình ông chuyên sản xuất các sản phẩm sấu tươi giòn, mơ xào gừng,mận xào và long nhãn… Những sản phẩm này được chứng nhận OCOP 3 sao và có giấy đăng ký nhãn hiệu đã giúp cơ sở sản xuất tạo được uy tín, tránh bị làm giả, làm nhái. Hiện nay, riêng sấu tươi giòn, mỗi năm cơ sở xuất bán từ 15-16 tấn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Gia đình ông Vũ Hồng Ngân, xã Quang Hưng, tỉnh Hưng Yên trồng gần 8 ha cây vải trứng được canh tác theo quy trình VietGap. Cây vải được chăm sóc bài bản nên khi thu hoạch hương vị quả thơm ngon, mẫu mã đẹp đồng đều. Quả vải trứng được gửi đi kiểm định chất lượng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm. Năm 2023, sản phẩm vải trứng của gia đình ông Ngân được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Phát triển thương hiệu vải trứng Hưng Yên, ông Ngân đầu tư thiết kế bao bì, hình ảnh đẹp; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để quảng bá loại quả đặc sản này, giá bán cao, từ 200.000-250.000 đồng/kg.
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh xây dựngthương hiệu, sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm đã khẳng định vị thế, giá trị trên thị trường như: Nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên; long nhãn của Công ty TNHH Vinagri; mật ong, hạt sen của cơ sở Mai Trang, nhãn lồng Hưng Yên, vải trứng Hưng Yên... Các sản phẩm OCOP đều có mẫu mã đẹp, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện môi trường và phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện đại.
Chương trình OCOP giúp thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường; tạo động lực, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng quy định đã thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị. Thông qua việc triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng, được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. Các chủ thể sản xuất đã đầu tư hệ thống hạ tầng, máy móc thiết bị, khoa học-công nghệ hiện đại phát triển sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thúc đẩy tăng quy mô sản xuất và doanh thu; liên kết hợp tác, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP được quảng bá, tiêu thụ trên nền tảng số như Shopee, Postmart, TikTok, Facebook, Zalo...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết: tỉnh sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường.
Tỉnh hỗ trợ cơ sở hạ tầng phát triển vùng nguyên liệu, phục vụ sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên cơ sở phát huy lợi thế, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm mới, phù hợp điều kiện từng địa phương, đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống; xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP .