Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh đã ra mắt, gồm 16 đại biểu; chỉ định ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh.
Đánh dấu bước chuyển trong cải cách tổ chức bộ máy
Cử tri Bắc Ninh đánh giá cao khi tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV các quyết sách được thông qua đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, hướng tới an sinh bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Bày tỏ sự nhất trí và tán thành cao với việc triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cử tri Bắc Ninh đánh giá sau 5 ngày triển khai, đội ngũ cán bộ, công chức nhanh chóng bắt nhịp, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn. Không khí làm việc tại các xã, phường, sở, ngành thể hiện rõ tinh thần đổi mới, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Bên cạnh những thuận lợi, cử tri Bắc Ninh cũng nêu lên những khó khăn phát sinh cần sớm tháo gỡ trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cử tri Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bắc Ninh phản ánh nhiều nơi trụ sở cũ, chưa đủ phòng làm việc, thiếu trang thiết bị, khoảng cách giữa các trụ sở đang sử dụng có nơi còn xa nhau khó khăn cho công tác điều hành. Trung tâm phục vụ hành chính công một số nơi chưa bảo đảm diện tích, còn hiện tượng lỗi đường truyền thông tin, cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách, cán bộ chuyên môn về lĩnh vực tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Từ Sơn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính.
Vấn đề số hóa cần đi kèm với các trang thiết bị máy móc, phần mềm quản lý đồng bộ để phát huy hiệu quả thực hiện của đội ngũ cán bộ. Đồng thời cần quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phường, nhằm phát huy hiệu quả làm việc của cán bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân…
Cử tri Vi Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công xã Tân Yên kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2015/NĐ-CP, trong đó cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền việc chứng thực bản sao, chữ ký... cho Giám đốc hoặc Phó Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công…

Ngay tại hội nghị, nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách an sinh xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ, chính sách về nhà ở để hỗ trợ cán bộ khi được điều chuyển tới nơi công tác mới... đã được lãnh đạo tỉnh trả lời thấu đáo.
Nâng cao năng lực, trình độ để phục vụ người dân tốt hơn
Khẳng định sự cần thiết trong tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, phát biểu với đông đảo cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc triển khai hướng đến tinh gọn bộ máy, xóa cấp trung gian, tổ chức bộ máy khoa học, mở ra không gian phát triển kinh tế tăng tốc, hướng tới xây dựng chính thân thiện, quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đồng chí ghi nhận và hoan nghênh ngay từ những ngày đầu triển khai, Bắc Ninh đã chú trọng ưu tiên đầu tư cho Trung tâm dịch vụ Hành chính công,bảo đảm phục vụ người dân thông suốt, đồng thời có chính sách để bao phủ những an sinh xã hội ưu việt tới đông đảo người dân.

Ghi nhận và chia sẻ với những áp lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong những ngày đầu tiến hành triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, Chính phủ và địa phương sẽ dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng chí mong muốn đội ngũ cán bộ công chức nâng cao năng lực chuyên môn, nắm chắc địa bàn, thực hiện hiệu quả các quyền năng khi được phân cấp, phân quyền; thái độ thân thiện để nuôi dưỡng và nhân lên niềm tin của người dân đối với chủ trương sáp nhập và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Bắc Ninh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng để được trao đổi, giải đáp, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để vận hành trơn tru chính quyền địa phương 2 cấp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá, sau sáp nhập, quy mô kinh tế và dư địa phát triển của Bắc Ninh lớn, tốc độ tăng trưởng hai con số, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công đều nằm trong top đầu của cả nước. Đồng chí tin tưởng với tốc độ phát triển cao, Bắc Ninh sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và có dư địa đầu tư cho địa phương, giúp rút ngắn mục tiêu đến trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.