Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh DUY LINH)
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh DUY LINH)

Điểm nhấn trên bức tranh tăng trưởng

Theo báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2025 do Bộ Tài chính vừa công bố, tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,31%, cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua.

Đáng chú ý, trong sáu tỉnh, thành phố (trong tổng số 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập) đạt mức tăng trưởng hai con số có sự góp mặt của bốn địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Các tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước với mức tăng trưởng hai con số nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, gồm: Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng vượt bậc, ngay từ đầu năm, các địa phương trong vùng đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển hài hòa, đồng bộ giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại; trong đó đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực thế mạnh, còn nhiều dư địa để phát triển phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Với thế mạnh là địa phương có kinh tế biển phát triển, sở hữu nhiều cảng lớn, ngay từ đầu năm 2025, Hải Phòng đã tập trung triển khai chiến lược phát triển ba trụ cột kinh tế chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Thành phố tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong sáu tháng đầu năm 2025, Hải Phòng đã thành lập sáu khu công nghiệp gồm Nomura 2, Vinh Quang, Tràng Duệ 3, Nam Tràng Cát, Tân Trào giai đoạn 1 và Ngũ Phúc giai đoạn 1 với tổng diện tích đất lên tới hàng nghìn héc-ta và hai cụm công nghiệp là Tràng Duệ và Cửa Hoạt-Quán Thắng. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh dịch vụ logistics theo hướng hiệu quả và bền vững. Hiện, tốc độ tăng trưởng ngành logistics của thành phố luôn duy trì ở mức hơn 20%/năm và đóng góp khoảng 15% GRDP của thành phố. Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp logistics với hơn 170.000 lao động, 60 kho bãi lớn với tổng diện tích hơn 700 ha được phân bố chủ yếu tại các khu vực cảng biển trọng điểm như Đình Vũ, Tân Vũ, Chùa Vẽ, Hoàng Diệu và Hải An.

Có chung thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp, trong sáu tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tăng 10,46%; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn công nghiệp lớn. Với những lợi thế cạnh tranh về mặt vị trí địa lý và các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là các tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn, công ty đa quốc gia.

Trong sáu tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho gần 130 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.148,90 triệu USD, trong đó có 86 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 636,73 triệu USD; 42 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn 12.804,23 tỷ đồng, tương đương hơn 510 triệu USD. Đ

Để đạt mức tăng trưởng trong tốp đầu cả nước, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ du lịch. Trong sáu tháng đầu năm, khu vực công nghiệp ước tăng trưởng 8,57%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp chính với mức tăng 23,81% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12,08 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,275 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 29.140 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2024.

Quảng Ninh không chỉ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư mà còn là thị trường du lịch có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đón 35 chuyến tàu biển quốc tế, với gần 50.000 khách du lịch tàu biển, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024; du khách chủ yếu đến từ các thị trường tiềm năng và có sức chi tiêu cao như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản và một số quốc gia Âu-Mỹ khác. Trong sáu tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đón khoảng 7,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu ước đạt 7.715 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, lượng khách lưu trú đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2024. Tính riêng trong tháng 6, Ninh Bình đón hơn 600.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu 718 tỷ đồng. Có được thành công đó, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch, khai thác tối đa lợi thế sẵn có về mặt cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hài hòa với nhiều chương trình du lịch đặc sắc gắn kết thiên nhiên và con người.

Theo các chuyên gia kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng của cả nước ở mức 8% trở lên trong năm 2025, các tỉnh, thành phố (trong đó có các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng) cần tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có, tăng cường tính liên kết vùng, liên kết các địa phương, phát huy những điểm mạnh của từng địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là sau khi sáp nhập các tỉnh và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hội nhập quốc tế trong tình hình mới; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và phát triển kinh tế tư nhân. Đây cũng được xác định là bộ tứ trụ cột phát triển trong thời gian tới đối với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Xem thêm