Khu công nghiệp Bá Thiện 2 là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn.
Khu công nghiệp Bá Thiện 2 là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn.

Phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế vùng Đất Tổ

Phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế tỉnh Phú Thọ là ý tưởng được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học ủng hộ, mục tiêu nhằm khai thác hiệu quả không gian mới với diện tích hơn 9.361 km2, dân số hơn 4 triệu người.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Phú Thọ có không gian, dư địa phát triển mới với diện tích đứng thứ 15, dân số đứng thứ 8, quy mô kinh tế đứng thứ 6 cả nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, tỉnh Phú Thọ có thế và lực mới với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, quy mô kinh tế đứng trong nhóm đầu của cả nước, có nhiều dư địa để phát triển. Tỉnh cần tận dụng tốt lợi thế về quy mô làm cơ sở, căn cứ để định hình tư duy chiến lược mới phù hợp với thực tiễn mới, bối cảnh mới.

Tỉnh Phú Thọ đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đồng bộ với các chiến lược liên kết Tây Bắc-Hà Nội-Bắc Trung Bộ-hành lang kinh tế Lào-Việt. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị liên kết nội vùng, hình thành mạng lưới đô thị phân tầng chức năng với các trung tâm vùng như Vĩnh Yên-Việt Trì-Hòa Bình, gắn kết các cực vệ tinh như Phúc Yên, Thanh Thủy, Lương Sơn, Yên Lạc, Tân Lạc...

Tỉnh Phú Thọ đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu trong giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch của vùng và cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tỉnh sẽ lấy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân làm động lực và nguồn lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện của quốc gia, khu vực và quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế gợi ý nhiều giải pháp, tập trung vào phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả không gian phát triển. Tỉnh dự kiến sẽ triển khai trên ba vùng động lực đã được xác định.

Vùng động lực thứ nhất là vùng đô thị Việt Trì-Phú Thọ (trước đây) tập trung phát triển dọc theo các tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 2, cầu mới kết nối Việt Trì với nút giao IC6 (đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai). Vùng này giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía tây bắc của tỉnh và kết nối với các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai. Tỉnh tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ logistics, văn hóa, thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng động lực thứ hai là vùng đô thị Vĩnh Yên-Phúc Yên (trước đây), sẽ tập trung phát triển dọc theo các tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đường Vành đai 5, Quốc lộ 2A, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía đông bắc của tỉnh và kết nối với Thủ đô Hà Nội các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh. Tỉnh tập trung phát triển vùng thành trung tâm kinh tế, tài chính, trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy, điện tử của cả nước, tập trung phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao, thương mại, đô thị, dịch vụ logistics, giáo dục-đào tạo, y tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng động lực thứ ba là vùng đô thị Hòa Bình (trước đây) dự triển khu vực phía nam của tỉnh và kết nối với Thủ đô Hà Nội các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La. Tỉnh tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm công nghiệp điện, văn hóa, du lịch, dịch vụ logistics, nhà ở vệ tinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh, nguyên Viện trưởng Chiến lược Phát triển phân tích, Phú Thọ là cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh phía bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng; đồng thời có khả năng kết nối với thị trường Trung Quốc cho nên có điều kiện phát triển logistics với quy mô lớn. Tỉnh có diện tích nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tới khoảng 80% diện tích tự nhiên. Đây cũng có thể xem là điểm mạnh cần khai thác có hiệu quả hơn trong tương lai. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Thọ đề xuất phát triển bốn hành lang kinh tế gắn với các vùng động lực của tỉnh, để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa.

Hành lang kinh tế phía bắc (thuộc hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) là hành lang kinh tế động lực của tỉnh gắn với các tuyến giao thông chính, các đô thị - trung tâm công nghiệp-dịch vụ, các khu công nghiệp quan trọng nhất của tỉnh, vành đai công nghiệp Bắc Giang-Thái Nguyên-Phú Thọ. Hành lang kinh tế trung tâm (thuộc hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc-Nam phía tây trong quy hoạch tổng thể quốc gia) gắn với tuyến giao thông kết nối trục dọc bắc-nam ở trung tâm tỉnh, các đô thị; tuyến giao thông kết nối Việt Trì-Tam Nông-Thanh Thủy-Hòa Bình. Hành lang kinh tế phía đông (gắn với Quốc lộ 2C, đường vành đai 5 và đường cao tốc phía tây) và hành lang kinh tế phía nam (thuộc hành lang kinh tế Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình - Hà Nội trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông cho biết, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiến hành rà soát, xây dựng, điều chỉnh lại chiến lược, quy hoạch tổng thể một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn nhằm mở ra không gian, động lực phát triển mới cho vùng Đất Tổ và toàn vùng Trung du miền núi Bắc Bộ

Xem thêm