Khu Cảng cá Cô Tô khởi công từ năm 2009 và hoàn thành năm 2018 (được chia thành 2 giai đoạn) với tổng mức đầu tư hơn 527 tỷ đồng, với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đường giao thông, bể xử lý nước thải, cấp nước, sân bãi tập kết, khu nhà quản lý, điều hành... Tuy nhiên, Khu hậu cần nghề cá ở đặc khu Cô Tô đang có nhiều bất cập, chưa phát huy được hết công năng sử dụng.
Với thực trạng còn nhiều bất cập, ngày 27/12/2023, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 660 tỷ đồng. Theo đó, quy mô dự án được xây dựng theo khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 1.200 tàu cá công suất đến 800 CV, bao gồm: Khu vực âu tàu Cô Tô bố trí 360 tàu từ 90 CV đến 800 CV; xây dựng đê chắn sóng phía bắc; tuyến đường kết nối từ cảng tàu đến khu dịch vụ hậu cần nghề cá; khu vực Vụng Trường Xuân bố trí 840 tàu từ 200 CV trở xuống; xây dựng điểm lên xuống cho tàu cá; tuyến đường bộ kết nối; tuyến luồng vào khu neo đậu.
Đến nay, Quảng Ninh có 5 khu neo đậu đủ điều kiện hoạt động là các khu neo đậu tại phường Quang Hanh, Cái Rồng (Đặc khu Vân Đồn), Vụng Sú Thoi Dây (xã Đầm Hà), xã Quảng Hà và xã Tiên Yên với tổng công suất khoảng 1.713 tàu, đáp ứng khoảng 27,7% tổng số tàu toàn tỉnh. Vào cao điểm mùa bão nhiều tàu về tránh trú, tình trạng quá tải, thiếu nơi neo đậu an toàn, đặc biệt với tàu công suất lớn thường xuyên xảy ra.
Chia sẻ về những bất cập này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Phan Thanh Nghị cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ nêu trên, trong đó lớn nhất là khó khăn về vốn đầu tư. Hầu hết các khu neo đậu đều cần nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc ngân sách tỉnh, với mức đầu tư lớn khoảng 100 đến 200 tỷ đồng/khu. Tuy nhiên, khả năng cân đối vốn hằng năm còn hạn chế dẫn đến việc triển khai xây dựng các khu neo đậu bị kéo dài”.
Là một trong những cảng cá trọng điểm tại khu vực Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cảng cá Vạn Gia (phường Móng Cái 1) đang được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại. Dự án nâng cấp cảng cá Vạn Gia được thiết kế để phục vụ đồng thời các tàu khai thác xa bờ có công suất từ 400 CV trở lên, hoạt động trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, công trình còn tập trung phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, như: Tiếp nhiên liệu, cung cấp lương thực, nước ngọt, đá lạnh, thiết bị và sơ chế hải sản đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của ngư dân.
Điểm nhấn của dự án là xây dựng hệ thống kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, góp phần hiệu quả vào công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cảng cá Vạn Gia giữ vị trí cửa ngõ quan trọng trong việc tiếp nhận thủy sản từ ngư trường phía bắc, đặc biệt là vùng biển giáp ranh với Trung Quốc, nơi có hoạt động khai thác truyền thống của hàng trăm tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận.
Dự án được nâng cấp mở rộng chiều dài cầu cảng nhằm tăng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn; xây dựng nhà điều hành cùng hệ thống kiểm dịch, phân loại, bảo quản thủy sản; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật như bãi đỗ tàu, cấp điện, cấp nước và xử lý môi trường; đồng thời kết nối với hệ thống giao thông liên vùng, đặc biệt là cụm cảng biển tổng hợp Vạn Ninh-Bắc Luân, góp phần hình thành chuỗi logistics thủy sản gắn kết với xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý dự án, việc triển khai hạ tầng kỹ thuật đang được tiến hành tích cực với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2026. Khi hoàn thiện, cảng cá Vạn Gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng tiếp nhận và tiêu thụ thủy sản khai thác xa bờ, giảm tải cho hai cảng cá Cái Rồng và Hạ Long; đồng thời mở rộng tiêu thụ sản phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Móng Cái, tạo động lực phát triển bền vững cho ngành thủy sản địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết: Các công trình cảng cá, bến cá không chỉ phục vụ tránh trú bão mà còn là mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh và là giải pháp chiến lược trong thực hiện chống khai thác IUU. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục chính của các dự án đang triển khai; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng thi công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành để đẩy nhanh quy hoạch chi tiết vùng neo đậu, bảo đảm gắn kết với quy hoạch phát triển đô thị và giao thông ven biển; tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế của ngư dân để bố trí, phân kỳ đầu tư hợp lý.
Ngành thủy sản cũng đặt mục tiêu đến năm 2026 cơ bản hoàn thiện mạng lưới hạ tầng tránh trú bão, neo đậu đồng bộ, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển, phát Khu hậu cần nghề cá bắc vịnh Bắc Bộ (Cảng cá Cô Tô) ở đặc khu Cô Tô. triển kinh tế biển bền vững.