Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong dịp nghỉ hè, nhiều trường mầm non chủ động xây dựng các chương trình trải nghiệm mùa hè đa dạng, sáng tạo, gắn với văn hóa địa phương và phát triển toàn diện trẻ nhỏ, tạo không gian học mà chơi, chơi mà học, kết nối chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình-cộng đồng.
Với đặc điểm tâm sinh lý còn non nớt, trẻ mầm non cần môi trường học tập giàu tính trải nghiệm để phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, vận động và tư duy. Nắm bắt điều này, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố tích cực triển khai các mô hình “hè sáng tạo, hè trải nghiệm” thông qua chuỗi hoạt động ngoài trời, trò chơi dân gian, học kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, kỹ năng tự phục vụ, bảo vệ môi trường, giáo dục tình yêu quê hương, tự hào với những đặc sản quê hương phù hợp với đặc điểm phát triển từng nhóm tuổi.
Với mong muốn gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ tình yêu quê hương, niềm tự hào về đặc sản địa phương, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa mang tên “Vải thiều quê em”, “Miền đất hoa phượng đỏ”, “Rối nước ao trường”...Những hoạt động nhỏ nhưng mở ra bài học lớn, cảm xúc đẹp, kỷ niệm ngọt ngào khó phai trong hành trình đầu đời của trẻ.
Tại trường mầm non Thanh Bình, những bể bơi mini, chậu nước, vòi phun, bóng bay nước, máng trượt… được bố trí thành từng khu vực theo độ tuổi. Trẻ được thỏa sức chạy nhảy, đổ nước, vớt bóng, thi bơm nước, chuyển nước bằng thìa, bằng cốc… giữa tiếng hò reo cổ vũ sôi động của cô giáo và phụ huynh. Không áp lực học tập, chỉ có niềm vui thuần khiết của trẻ thơ khi được vận động, tự do thể hiện bản thân.
Cô giáo Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Bình (phường Lê Thanh Nghị) chia sẻ: Chúng tôi tổ chức ngày hội này với mong muốn tạo cho trẻ một sân chơi lành mạnh, an toàn trong những ngày hè oi bức. Nhưng sâu xa hơn, đây là một hoạt động mang tính giáo dục cao, rèn luyện kỹ năng vận động, khả năng phản xạ, sự chủ động, sáng tạo, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước và đặc biệt là tăng sự gắn kết giữa trẻ với thầy cô, bạn bè.
Chị Phạm Thị Hường là một phụ huynh, bày tỏ: Mỗi ngày từ trường về, con chị lại kể hôm nay được bắt cá, câu ếch, học gấp quần áo, buộc dây giày. Những việc tưởng như nhỏ thôi, nhưng giúp con tự lập và tự tin hơn. Với quan điểm “trẻ học bằng trải nghiệm”, Trường mầm non Ngọc Châu (phường Hải Dương) đã biến mùa hè thành chuỗi ngày hội sôi động, nơi mỗi đứa trẻ được trở thành “diễn viên chính” trong các hoạt động thực tiễn đầy ý nghĩa. “Ngày hội giặt là” - một trong những hoạt động độc đáo, mang đậm tính giáo dục kỹ năng tự phục vụ. Tại đây, mỗi bé được giao một “nhiệm vụ nhỏ” như ngâm khăn bẩn, giặt bằng tay, vắt khô, phơi lên dây và gấp gọn mang về. Tất cả được thực hiện dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc từ giáo viên. Nhiều phụ huynh bất ngờ vì sau ngày hội, con về nhà chủ động gấp quần áo, phụ mẹ phơi đồ.
Không khí hè tại Trường mầm non Lê Thanh Nghị (phường Lê Thanh Nghị) cũng sôi động không kém với mô hình “Ngày hội sắc màu” - nơi nghệ thuật, sự sáng tạo và cảm xúc hội tụ. Từ những bức vẽ ngộ nghĩnh về hoa, mặt trời, cầu vồng, đến hình ảnh ngôi nhà, gia đình, ước mơ làm bác sĩ, cô giáo… tất cả tạo nên một bữa tiệc màu sắc sống động và chân thực. Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Thanh Nghị, Nguyễn Thị Hòa cho biết: Nhà trường để trẻ tự do sáng tạo, không bị giới hạn trong khuôn khổ. Điều quan trọng không phải đẹp hay xấu, mà là cảm xúc và sự tự tin của trẻ khi được thể hiện bản thân. “Ngày hội sắc màu” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là hoạt động rèn cảm xúc và phát triển thẩm mỹ. Trẻ học cách phối màu, cảm nhận sự khác biệt, tôn trọng sự sáng tạo của bạn.
Việc đưa “vải thiều quê em” vào lớp học mầm non không đơn thuần là một hoạt động trải nghiệm, mà là cách nuôi dưỡng mối gắn kết giữa con người và mảnh đất quê hương ngay từ những năm tháng đầu đời. Cô Phan Thị Thanh Hương, giáo viên Trường mầm non Thanh Bình chia sẻ: Đây không chỉ là buổi trải nghiệm, mà là một tiết học sống động về quê hương. Các con được tận mắt nhìn, trực tiếp ngửi, sờ, nếm để cảm nhận đầy đủ về quả vải từ hình dáng, màu sắc đến mùi vị. Những điều đó không sách vở nào thay thế được.
Từ việc tìm hiểu đặc điểm bên ngoài như vỏ xù xì, mầu đỏ nâu, đến khám phá bên trong cùi trắng, hạt đen, vị ngọt thơm… các bé được dẫn dắt một cách tự nhiên, nhẹ nhàng qua từng bước. Cô giáo lồng ghép những câu chuyện nhỏ về nguồn gốc quả vải, về cách người dân chăm sóc cây vải ra sao, mùa ra hoa kết trái... Từ đó, trẻ sẽ thêm yêu thiên nhiên, yêu lao động, trân trọng cuộc sống nhiều hơn.