Gian hàng giới thiệu tranh Đông Hồ tại sự kiện “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu Đông Hồ”.
Gian hàng giới thiệu tranh Đông Hồ tại sự kiện “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu Đông Hồ”.

Kết nối di sản tranh dân gian Đông Hồ với thế giới

“Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh”. Từ một làng tranh trên bến dưới thuyền xuất hiện vào thế kỷ 16, tranh dân gian Đông Hồ (phường Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp.

Những bản ván khắc gỗ dung dị nhuốm màu thời gian, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Đông Hồ đã tạo nên “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, hình thành một di sản văn hóa độc đáo và đặc sắc - tranh dân gian Đông Hồ.

Với quy trình làm tranh hoàn toàn thủ công, sử dụng chất liệu tự nhiên như giấy dó, mầu đỏ từ sỏi son, mầu đen từ tro than, mầu xanh từ lá chàm…, tranh Đông Hồ được ví không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là một “tuyên ngôn” về lối sống hài hòa với thiên nhiên của người Việt Nam. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh, mỗi bức tranh Đông Hồ là một câu chuyện dung dị nhưng sâu sắc, phản ánh nét đẹp đời sống, lễ hội, tín ngưỡng và những khát vọng tốt lành, tài lộc, no đủ, thái bình nên thường được người dân chọn treo trong dịp Tết Nguyên đán. Vào thời kỳ cực thịnh trước năm 1944, tại Đông Hồ có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh. Hiện chỉ còn ba dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh.

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo này. Tỉnh chú trọng đào tạo lớp nghệ nhân trẻ kế cận, động viên hỗ trợ các nghệ nhân sáng tạo làm mới dòng tranh, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh.

Từ năm 2023, tỉnh khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ; tổ chức các tour du lịch miễn phí giúp du khách có những trải nghiệm sâu với không gian tranh Đông Hồ. Trong nhiều cuộc tiếp đón khách trong nước và các đoàn ngoại giao quốc tế, tranh Đông Hồ vinh dự được chọn làm quà tặng quốc gia. Tại các triển lãm, sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế, cùng với dân ca quan họ, trải nghiệm làm tranh Đông Hồ luôn là một điểm nhấn kết nối du khách và bạn bè quốc tế với loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Xuân Lợi cho biết, nghề làm tranh Đông Hồ đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ mai một. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đã sớm triển khai đồng thời nhiều hoạt động, nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản nhằm đưa tranh Đông Hồ đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đi quảng bá ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ... và nhận được sự phản hồi tích cực của công chúng. Cùng với các đơn vị chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Bắc Ninh đã hoàn thiện các mẫu báo cáo, lập hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Có mặt tại sự kiện “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu Đông Hồ”, ngài Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam chia sẻ: Tôi đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bắc Ninh trong bảo vệ, gìn giữ và phát triển văn hóa. Bắc Ninh là địa phương năng động, đặc biệt trong thúc đẩy quan hệ với các cơ quan ngoại giao và quảng bá hình ảnh, những giá trị văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh, trong đó có tranh Đông Hồ đến với du khách quốc tế.

Tranh Đông Hồ là nét văn hóa đáng tự hào cần gìn giữ và tôi rất ủng hộ để tranh Đông Hồ, một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, được UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2025.

Không chỉ gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo, việc bảo tồn, phát huy tranh Đông Hồ còn góp phần kết nối di sản với công chúng trong và ngoài nước, giúp các thế hệ mai sau hiểu, yêu mến và đưa những giá trị truyền thống của dân tộc bay cao, vươn xa.

Xem thêm